Được xây dựng trên tinh thần xuyên suốt, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được cho sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động…
>> Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Cần cụ thể từng chính sách của nhà nước
Theo đó, Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó, có Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Luật gồm 7 chương, 157 Điều, quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này, không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam); văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam).
Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm…
Trong đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua về bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tải bảo hiểm, bảo hiểm vi mô… và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2023 (một số điều khoản của luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2028).
>> Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm tạo ra gánh nặng quản lý
Theo các chuyên gia, những sửa đổi, bổ sung này ngoài nâng cao yêu cầu quản lý Nhà nước, trong đó bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm như: Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm… mà còn giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh.
Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thu Hà – Trưởng phòng Phân tích, SSI Research đánh giá, điểm quan trọng nhất là Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được xây dựng với tinh thần xuyên suốt là các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Một trong những ví dụ, có thể kể đến là việc đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin.
Theo bà Hà, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sẽ có tác động tích cực về dài hạn đối với thị trường bảo hiểm. Với những thay đổi về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số Công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027).
Bên cạnh đó, một điểm mới nhận được sự quan tâm của dư luận đó là Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) không cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản.
Xoay quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hà cho rằng, cần phải làm rõ là Luật mới cấm doanh nghiệp bảo hiểm trực tiếp đầu tư kinh doanh bất động sản, chứ không cấm các hoạt động đầu tư cổ phiếu bất động sản, hay đầu tư trụ sở kinh doanh/cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa hoạt động hết.
“Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là khối phi nhân thọ, có mạng lưới chi nhánh/điểm kinh doanh rộng khắp cả nước. Các bất động sản mà họ sở hữu thường là để làm trụ sở kinh doanh. Họ cũng có thể cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa hoạt động hết. Do đó, chúng tôi cho rằng, quy định mới này không có tác động lớn đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bảo hiểm”, bà Hà chia sẻ.
Cũng theo bà Hà, việc không được đầu tư kinh doanh bất động sản là thực hiện theo khoản 1, Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn đầu tư kinh doanh bất động sản thì phải thành lập doanh nghiệp đầu tư bất động sản.
Do đó, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm không được phép trực tiếp đầu tư vào bất động sản. Đối với Công ty mẹ và các Công ty thành viên cùng trực thuộc Công ty mẹ, thì việc có được thực hiện trực tiếp đầu tư kinh doanh bất động sản hay không sẽ tùy thuộc vào việc họ có phải là một pháp nhân có ngành nghề đăng ký kinh doanh bao gồm lĩnh vực kinh doanh bất động sản hay không; chứ không phụ thuộc vào việc hệ sinh thái của họ có doanh nghiệp bảo hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Cần cụ thể từng chính sách của nhà nước
18:50, 27/05/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm tạo ra gánh nặng quản lý
04:00, 23/05/2022
Một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa phù hợp thực tế
03:30, 17/05/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm: Còn nhiều quy định không chặt chẽ
03:50, 08/04/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi: Cần bổ sung bảo hiểm rủi ro cho người mua nhà
03:55, 07/04/2022