Thị trường bất động sản đã bước qua "vùng đáy"?
Mặc dù FDI vào lĩnh vực bất động sản suy giảm trong nửa đầu năm nay song thị trường bất động sản Việt Nam vẫn duy trì sức hút với các nhà đầu tư ngoại.
>>“Rào chắn” mới với bất động sản?
Trong một chia sẻ mới đây, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, thị trường bất động sản phục hồi là khi tăng trưởng theo hướng ổn định, lành mạnh.
Khi nào thị trường hồi phục?
Theo ông Hiển, trước đây ngay cả cả trong giai đoạn thị trường phát triển ổn định như 2017 - 2019, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng thị trường có hướng đi không lành mạnh, có xu hướng đầu cơ, các sản phẩm bất động sản chưa đi sâu vào khai thác cho nhu cầu ở, cho thuê. Trong khi thị trường bất động sản đang suy thoái như hiện nay, có những khu vực giá đất giảm 30 - 40% nhà đầu tư vẫn chưa thể thoát hàng.
Theo vị chuyên gia, sự phục hồi của thị trường có nghĩa là thị trường sẽ tăng trưởng ổn định, lành mạnh, kinh tế tăng tới đâu bất động sản tăng tới đó, bất động sản phải đi sau nền kinh tế một nhịp thay vì đi trước. Nếu nhìn vào góc độ vĩ mô, vị chuyên gia cho rằng có thể mất vài ba năm nữa mới có thể xuất hiện một đợt sóng như quý I/2022.
Nhưng ở góc nhìn tích cực hơn, ông Hiển cho biết nếu tiến độ các dự án hạ tầng duy trì như hiện nay, dòng vốn FDI quay trở lại vào năm 2024 và 19 triệu du khách (phục hồi như năm 2019), thì sớm vào quý III/2024, hoặc không chậm nhất hết năm 2025 thị trường bất động sản sẽ đi theo đà tăng trưởng lành mạnh, nghĩa là những sản phẩm tốt sẽ có giá tốt, có người mua, có thanh khoản.
Thực tế, trong các báo cáo thị trường do các đơn vị nghiên cứu công bố gần đây, thị trường bất động sản dù đã diễn tiến tích cực hơn, nhưng các cơ chế, chính sách từ Chính phủ chỉ mới đủ “động viên”, “khích lệ”, “trấn an tinh thần” cho các chủ thể tham gia thị trường.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường vẫn duy trì trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân. Phần lớn các chủ đầu tư vẫn luẩn quẩn trong khâu hoàn thiện pháp lý. Một số chủ đầu tư không đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.
Trong khi tỷ lệ giao dịch tăng nhẹ ở quý 2, chủ yếu đến từ căn hộ chung cư. So sánh tỷ lệ giao dịch quý 2: cho thấy đã tăng 7 điểm % so với quý 1/2023, giảm 32 điểm % so với quý 2/2022.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, thậm chí tại Hà Nội, lượt hấp thụ căn hộ chung cư mới chỉ đạt 28%.
>>Hòa Bình: 55 dự án nhà ở chưa được huy động vốn, cảnh báo người dân giao dịch
Góc nhìn tích cực
Song, ở góc nhìn tích cực theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings, các cam kết của Chính phủ trong việc kiềm chế bong bóng tài chính ở lĩnh vực bất động sản là yếu tố tích cực tạo sự ổn định cho thị trường.
Sáu tháng đầu năm, tỷ trọng hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 3,4% GDP. Tính đến 20/6, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký với 1,53 tỷ USD, giảm 51% so với cùng kỳ 2022. Vốn FDI giải ngân vào lĩnh vực này trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 500 triệu USD, giảm 43%.
Mặc dù FDI vào lĩnh vực này suy giảm trong nửa đầu năm nay, "song thị trường bất động sản Việt Nam vẫn duy trì sức hút với các nhà đầu tư", Fitch Ratings dẫn lời ông Nguyễn Việt Hoàng, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Colliers Việt Nam, đơn vị nghiên cứu và tư vấn bất động sản. Chuyên gia này cho biết số lượng yêu cầu tìm kiếm cao ốc văn phòng, bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng tại Việt Nam có xu hướng tăng trong vài tháng qua.
Cũng theo Collier, trên thị trường nhà ở, tâm điểm chú ý nửa đầu năm hướng về nhà ở xã hội. TP HCM hiện có 9 dự án đang triển khai với quy mô 6.383 căn hộ, giá sơ cấp dao động 1.200-1.400 USD mỗi m2 (28-33 triệu đồng mỗi m2). Hà Nội cũng đang có 40 dự án nhà ở xã hội đang và sẽ mở bán trong năm nay, tập trung ở các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục đi trên "con đường gập ghềnh" với nhiều ngã rẽ có thể ở phía trước.
Vị chuyên gia cho hay, một mặt hoạt động đầu tư tiếp tục sôi động khi các nhà đầu tư tổ chức tích cực tìm cơ hội vẽ lại chiếc bánh thị phần. Mặt khác, ở cấp độ đầu tư cá nhân, giao dịch vẫn trầm lắng, giá biến động, thanh khoản chưa khả quan và tâm lý người mua còn dè dặt. Hai diễn biến này sẽ kéo dài từ giờ đến hết năm nay.
Có thể bạn quan tâm