Nhà ở xã hội "chiếm sóng" thị trường
Sau thời gian dài “ngủ đông”, một số dự án nhà ở xã hội đang được triển khai. Theo dự báo, phân khúc này sẽ “chiếm sóng” thị trường trong tương lai khi có nhiều “ông lớn” tham gia.
>>Thách thức lớn với quy hoạch KCN trục cao tốc phía Đông
Trong tình hình nguồn cung nhà ở hạn chế và giá bán cao, Nhà nước đã ban hành nhiều biện pháp nhằm cải thiện nguồn cung nhà ở trên thị trường. Bao gồm dự án xây dựng 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở cho công nhân; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển các dự án NƠXH và cho công nhân; sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 để bổ sung nhiều chính sách linh hoạt và ưu đãi hấp dẫn.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhiều dự án NƠXH, nhà ở công nhân được nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển trên khắp cả nước, góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực cho phân khúc này.
Nhiều “ông lớn” tham gia
Trong đó, một tập đoàn đã đặt ra kế hoạch xây dựng khoảng 500.000 căn NƠXH trong khoảng 5 năm tới. Đây là mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập thấp, đồng thời hướng tới việc cân bằng giữa các phân khúc trong lĩnh vực bất động sản.
Theo đại diện của Kim Oanh Group cho biết, trong giai đoạn 2023 – 2028, doanh nghiệp này đã đặt ra mục tiêu phát triển 26 dự án bất động sản (gồm 23 dự án NƠXH, 3 dự án nhà ở thu nhập thấp) với tổng cộng 40.000 sản phẩm.
Trong giai đoạn giai đoạn đầu tiên (từ nay đến năm 2026), Kim Oanh Group dự kiến sẽ ra mắt thị trường khoảng 14 dự án với 25.000 sản phẩm. Đặc biệt, trong năm nay, doanh nghiệp dự định ra mắt thị trường 4.800 sản phẩm NƠXH tại Bình Dương và Đồng Nai.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex (Becamex IDC) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển NƠXH. Sau 10 năm triển khai xây dựng tại nhiều địa (Bình Dương, TP. Thủ Dầu Một,..), Becamex IDC đã hoàn thành được 47.500 căn NƠXH, đạt 74% kế hoạch trong dự án với quy mô 65.000 căn mà doanh nghiệp được phê duyệt.
Becamex IDC đang tiếp tục xây dựng 20.000 căn NƠXH trong giai đoạn tiếp theo tại các khu VietSing (TP.Thuận An), Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một), Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), và Bàu Bàng, với mức đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ được đưa vào sử dụng đợt 1 vào cuối năm nay.
Theo đề án NƠXH, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt, Becamex IDC sắp tới sẽ dành 105ha để tiếp tục triển khai các dự án NƠXH, nhà ở công nhân với tổng số 118.234 căn.
Cũng theo Tổng công ty Viglacera, năm nay doanh nghiệp sẽ từng bước thực hiện đầu tư 50.000 căn NƠXH trong giai đoạn 2022 – 2030 đã được Bộ Xây dựng giao cho. Bên cạnh các dự án trọng điểm đang triển khai như nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn IV, NƠXH tại Kim Chung,… doanh nghiệp cũng dự kiến khởi công mới nhà ở công nhân Tiền Hải, NƠXH Phú Hà…
Có thể thấy, việc các tập đoàn bất động sản lớn chuyển hướng sang phát triển NƠXH và nhà ở giá rẻ là chiến lược hợp lý trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Điều này giúp cho các doanh nghiệp tận dụng những chính sách ưu đãi vừa được ban hành dành riêng cho phân khúc này. Đồng thời, đây được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp khơi thông dòng tiền.
>>Giá nhà ở thứ cấp sẽ giảm trước khi tăng vào giữa năm 2024?
Dưới nhận định của bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, nhu cầu nhà ở đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản cũng như tăng trưởng kinh tế. Việc đảm bảo sự cân bằng giữa giá bán, chất lượng công trình và các yếu tố bền vững là một yếu tố rất cần thiết.
Đối với các nhà phát triển, việc thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bắt đầu dự án là một bước quan trọng, tránh những rủi ro không mong muốn và đảm bảo dự án có thể đáp ứng được nhu cầu của người mua.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Trong thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP về “Một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, từ đó ghi nhận những tín hiệu chuyển biến tích cực cho thị trường.
“Đến nay, cơ bản các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, đã được tháo gỡ”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ.
Bộ Xây dựng cũng đã tháo gỡ nhiều khó khăn liên quan đến các Nghị định 100/NĐ-CP/2015; Nghị định 49/NĐ-CP/2021; đề xuất các chính sách về nhà ở có hiệu lực sớm nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc đối với dự án NƠXH.
Đặc biệt, các tỉnh và thành phố đã thành lập tổ công tác đặc biệt để chủ trì, phối hợp với các sở và ngành, UBND cấp huyện để rà soát, lập danh mục các dự án bất động sản trên địa bàn. Từ đó, phân loại và đánh giá nguyên nhân chậm triển khai dự án, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Cùng với đó, NHNN đã có 4 lần điều chỉnh hạ lãi suất huy động nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Nhiều ngân hàng thương mại cũng giảm từ 0,5 – 2% lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, nhằm tạo đà giảm cho lãi suất vay trong thời gian tới.
Nhận định về thị trường, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất về tài chính của thị trường bất động sản đã qua, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Thời điểm hiện tại, thị trường đang dần bước vào một chu kỳ phát triển mới.
Có thể bạn quan tâm
Nhận diện cơ hội đầu tư bất động sản Hà Nội nửa cuối năm 2023
13:29, 31/08/2023
Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Cần thiết phải công chứng, chứng thực trong giao dịch
03:50, 31/08/2023
Bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi thao túng thị trường bất động sản
00:10, 31/08/2023
Chu kỳ mới của thị trường bất động sản
18:21, 30/08/2023
Quyết tâm “giữ” thị trường bất động sản
18:10, 29/08/2023