Bất động sản nghỉ dưỡng chưa hết khó khăn

VI ANH 05/10/2023 18:40

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa hết khó khăn, nhiều nhà đầu tư phải rao bán cắt lỗ sản phẩm vì du lịch không khởi sắc như kỳ vọng.

>>Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế

Dựa trên khảo sát từ Batdongsan.com.vn mới đây, hiện nay tình trạng cắt lỗ trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực.

Tại Quảng Ninh, có nhiều biệt thự nghỉ dưỡng đang ghi nhận tình trạng cắt lỗ mạnh. Cụ thể, các căn biệt thự tại phường Bãi Cháy (Hạ Long) từng được niêm yết với mức giá cao từ 29 - 32 tỷ đồng/căn trong thời kỳ sốt nóng.

hiện nay tình trạng cắt lỗ trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục diễn ra

Hiện nay tình trạng cắt lỗ trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục diễn ra.

Tuy nhiên, giá hiện tại đã giảm xuống khoảng 22 - 25 tỷ đồng/căn, dù vậy vẫn chưa có khách giao dịch. Bên cạnh đó, một số condotel tại Quảng Ninh cũng đang được rao bán với giá cắt lỗ, giảm từ 250-600 triệu đồng/căn. 

Tình trạng cắt lỗ cũng đang diễn ra tại thị trường biệt thự nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Tại Gành Dầu, một số biệt thự từng được giao dịch với mức giá 19 - 20 tỷ đồng cách đây 7 năm, nhưng hiện chủ nhà đang rao bán với giá chỉ từ 13 - 15 tỷ đồng/căn. 

Tại Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều biệt thự hiện đang được rao bán với mức giá từ 16 – 18 tỷ đồng/căn, giảm so với mức giá từng được rao bán năm 2021 (khoảng 20 – 23 tỷ đồng/căn). Trong phân khúc condotel tại Nha Trang, ghi nhận mức cắt lỗ trung bình từ 100 - 300 triệu đồng/căn.

Theo các môi giới bất động sản, thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là bởi sự chững lại của thị trường bất động sản cùng mức thu nhập của người dân giảm sút, giá vé máy bay cao đã khiến ngành du lịch bị suy thoái và tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn không còn như trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư tiếp tục rao bán với tình trạng cắt lỗ. 

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Savills, hoạt động kinh doanh khách sạn tại thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận ở mức thấp so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 thông qua các chỉ số công suất phòng và giá phòng bình quân.

Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels cho rằng, các nhóm yếu tố tác động đến thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam được chia thành ba nhóm (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn). Về mặt ngắn hạn, sự thiếu vắng nguồn khách du lịch từ Trung Quốc chiếm đến 32% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019, đang tạo ra nhiều thách thức đối với ngành du lịch nghỉ dưỡng.

thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó có sự bứt phá trong ngắn hạn,

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó có sự bứt phá trong ngắn hạn.

Ngoài ra, chi phí cho các chuyến bay dài đã tăng lên, làm cho du lịch từ một số thị trường, đặc biệt là châu Âu trở nên đắt đỏ hơn. Trong bối cảnh này, lượt khách từ châu Âu đến Việt Nam ở mức thấp hơn trước đại dịch, giảm khoảng 38% so với cùng kỳ năm 2019. 

>>Sunshine Diamond River chuẩn bị những khâu cuối cùng để đón cư dân

Có thể thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, thị trường khách châu Á đến du lịch Việt Nam cũng thấp hơn thời điểm trước đại dịch khoảng 32%. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, nhưng tổng lượt khách vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2019. Cùng với đó là tình trạng dư thừa nguồn cung khiến hoạt động kinh doanh khách sạn ngày càng thêm nhiều những khó khăn. 

Qua thống kê của Savills Hotels, từ năm 2016, trung bình có khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung - cao cấp gia nhập thị trường lưu trú ở Việt Nam hàng năm. Điều này đã làm tăng gấp đôi nguồn cung phòng trong vòng 6 năm. 

Sự tác động cộng hưởng của yếu tố cung và cầu đã làm cho hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam phục hồi chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực. Cho đến tháng 8 của năm nay, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ đạt khoảng 40%, trong khi Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đã vượt qua mức 50%, thậm chí Singapore cũng gần đạt mức 75%. 

Chưa kể đến, lượng hàng tồn kho của phân khúc này còn rất lớn. Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cũng cho thấy, lũy kế đến tháng 6, lượng hàng tồn kho condotel đã tăng vọt lên hơn 42.000 căn còn shophouse biển và biệt thự nghỉ dưỡng cộng lại khoảng 30.000 căn.

Trong khi đó sức mua lại kém, điển hình như, trong tháng 8 phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng chỉ bán được 3 căn, biệt thự nghỉ dưỡng chỉ bán được 9 căn, condotel bán được 17 căn. 

Đánh giá về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, mặc dù ghi nhận những dấu hiệu tích cực với sự cải thiện cả về nguồn cung và thanh khoản, tuy nhiên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó có sự bứt phá trong ngắn hạn, ít nhất phải chờ đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. 

Ông Điệp cho biết, ngoài những giải pháp như thu hút khách du lịch, tăng chiết khấu, giảm giá bán... cơ quan quản lý cần nhanh chóng tháo gỡ rào cản pháp lý (gồm cả pháp lý cho condotel, officetel, shophouse…) nhằm giải tỏa lượng lớn các dự án tồn đọng, dở dang, tranh chấp, từ đó phá băng cho núi hàng tồn kho trị giá hàng chục tỉ đô trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng khả năng hấp thụ vốn cho bất động sản

    Tăng khả năng hấp thụ vốn cho bất động sản

    14:44, 05/10/2023

  • Tháo gỡ hai “gọng kìm” pháp lý và nguồn vốn cho thị trường bất động sản

    Tháo gỡ hai “gọng kìm” pháp lý và nguồn vốn cho thị trường bất động sản

    05:00, 05/10/2023

  • Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn

    Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn

    21:56, 04/10/2023

  • Startup quản lý bất động sản dựa trên nền tảng công nghệ làm gì để gọi vốn thành công?

    Startup quản lý bất động sản dựa trên nền tảng công nghệ làm gì để gọi vốn thành công?

    01:45, 04/10/2023

  • Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2024?

    Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2024?

    13:38, 03/10/2023

VI ANH