DUY TRÌ MẠCH SỐNG CHO TP HCM: Chiến lược Sinh kế - An dân

LÊ MỸ 18/08/2021 14:18

Sau đúng 2 tháng 18 ngày giãn cách kể từ đợt áp Chỉ thị 15 đầu tiên vào 31/5 đến nay, số người cần túi an sinh tại TP Hồ Chí Minh (TP HCM) nhiều hơn hẳn con số 1 triệu túi dự kiến.

Cần nhiều hơn 1 triệu túi an sinh

1 triệu túi an sinh xã hội chuẩn bị cho người dân, mỗi túi gồm 10kg, mì ăn liền, thực phẩm… để hỗ trợ người dân ở yên trong nhà chống dịch là không đủ, bởi TP HCM có nhiều hơn số lượng người dân đang cần các túi an sinh như vậy.

TP Hồ Chí Minh ước tính sẽ hỗ trợ 2,5 triệu dân không điều kiện. Con số thực cần hỗ trợ có thể còn lớn hơn (ảnh: Người dân rời TP HCM tự phát về quê trước đợt giãn cách mới)

TP HCM ước tính sẽ hỗ trợ 2,5 triệu dân không điều kiện. Con số thực cần hỗ trợ có thể còn lớn hơn (ảnh: Người dân rời TP HCM tự phát về quê trước đợt giãn cách mới)

Về mặt cơ học, thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy TP HCM là thành phố đông dân nhất nước với 8.993.082 người. Cứ trung bình mỗi năm dân số TP.HCM gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình cứ mỗi 5 năm khoảng 1 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số bình quân là 2,28%/năm, TP HCM theo đó đến 2021 ước có khoảng 9,4 triệu người.

Xin nhấn mạnh đây là con số thống kê về mặt cơ học. Còn trên thực tế, Chủ tịch UBND TP HCM tại năm 2019 cũng cho biết dù dân số của thành phố là khoảng 9 triệu người, nhưng phải hơn 13 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây. Từ 2019 đến nay, con số 13 triệu người có biến động với tốc độ tăng dân cư liên tục qua nhiều năm, sẽ chỉ có tăng lên chứ không có ngược lại. Theo đó, TP HCM có hơn 4 triệu người đang sinh sống làm việc, ngoài danh sách thống kê dân số cơ học trên địa bàn.

Hơn 4 triệu người đang sinh sống làm việc nhưng không được thống kê trong tổng điều tra dân số nhà ở, có nghĩa họ là người lao động nhập cư, nhiều người hầu hết trong số đó là người không có hộ khẩu, đăng ký tạm trú KT3 tên địa bàn, nói cách khác là hầu hết họ cũng đang phải ở trọ, vì sẽ vô cùng hiếm đối tượng đã có nhà ở mà không đăng ký hộ khẩu hay KT3.

Đây cũng là những đối tượng dễ rơi vào thất nghiệp, mất việc làm, “ráo mồ hôi là hết tiền”, là những người mà đã phải đèo bồng cả gia tài xoong nồi thau chậu áo quần, đến cả chó con, cả gia đình lớn bé chen chúc trên một chiếc xe máy, đặt cược tính mạng người vào hành trình vượt đường trường hiểm nguy để rời khỏi TP HCM, "tranh thủ" những ngày chưa siết chặt giãn cách và ở giữa khoảng hở thời gian của những đợt giãn cách.

Vì vậy, số người cần túi an sinh của Nhà nước nhiều hơn hẳn con số 1 triệu túi dự kiến sẽ hỗ trợ tiếp tế. Chưa kể, đây mới chỉ những túi an sinh dự kiến trong 1 tuần hoặc 2 tuần, trong khi thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách trong một tháng tới. 

Ngoài những đối tượng rất cần được tiếp tế bằng các túi an sinh, cứu đói cụ thể kể trên, thì trong số dân cơ học của TP HCM, có nhà có tên trong danh sách “hộ khẩu”, có "định cư" chính thức, sau đúng 2 tháng 18 ngày giãn cách cũng có rất nhiều người đã phải nghỉ việc, thất nghiệp vì doanh nghiệp, công ty đóng cửa, không tiếp tục hoạt động để đảm bảo tuân thủ phòng chống dịch…

Nhiều người có thể không bị áp lực trả tiền phòng trọ, nhưng cũng thuộc nhóm dưới của đường thu nhập bình quân, rơi vào tình trạng “của ăn núi lở”, thiếu đói. Số lượng này cũng nhiều không thể đếm. Các cứu trợ mỗi đợt theo nhẩm tính bình quân mỗi người được 500 nghìn đồng/tháng, số tiền này cũng khó giúp cầm cự tối thiểu để đủ lương thực, thực phẩm cho gia đình. Họ thực sự cần được tiếp tế an sinh.

Sinh kế dài hơi hơn

Như vậy, nguồn lực để chuẩn bị túi an sinh phải rất dồi dào. Số lượng túi an sinh dự kiến phải nhiều hơn nhiều lần con số trước mắt.

Ở những địa điểm kinh doanh

Ở những địa điểm kinh doanh "sang trọng", nay đã trở thành nơi cung cấp thực phẩm, lương thực doanh nghiệp mở để hỗ trợ người dân (ảnh: Siêu thị 0 đồng của NovaGroup)

TP HCM có lẽ cũng đã dự liệu điều này khi song song với phát động dân cùng lo cho dân (mà điều này dân đã tự động tự nguyện làm trong suốt nhiều tháng qua), là kế hoạch xin ứng cứu khẩn từ Trung ương khẩn 28.000 tỷ đồng, 142.200 tấn gạo. Vì sao TP HCM phải xin ứng cứu khẩn trong khi thành phố này làm ra và đóng góp ngân sách nhiều nhất nước, xin đề cập trong một bài viết khác; nhưng rõ ràng thành phố đã biết 1 tháng giãn cách tới, để an dân thì không thể không lo cho dân ấm bụng.

Trưa 18/8, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, và Xã hội (LĐTBXH) TP HCM, cho biết qua thống kê tại các quận, huyện và TP Thủ Đức ghi nhận hơn 2,5 triệu người dân TP HCM đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Những trường hợp trên là lao động nghèo, gặp khó khăn do thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Sở LĐTB&XH dự kiến hỗ trợ mỗi trường hợp một triệu đồng và 10 kg gạo. Và như nhấn mạnh, con số thực sẽ lớn hơn "ghi nhận" của Sở nêu trên, có thể khá nhiều!

Bên cạnh đó, để các gói an sinh thực sự đi đến các địa chỉ cần, đủ, bao trùm mọi người đang đói và cần tiếp tế, không để đâu đó vang lên tức tưởi “sao chỉ thấy tiếp tế trên ti vi”, thành phố cũng cần phân bổ người và lực, dù biết lúc này đó là điểm đuối sức và là đòi hỏi khó, nhưng lại không thể không làm, để rà soát, đưa đủ, tiếp tế đến tận nơi, không để mọi nguồn tiếp tế đổ vào đầu một bà, một ông tổ trưởng ở địa phương cấp tổ dân phố nắm toàn quyền phân bổ.

Thực tế lại cũng cho thấy hơn 2,5 tháng giãn cách với cả hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp, dân tự lo cho dân, có rất nhiều khu phố, tổ dân trong giai đoạn qua đã làm rất hiệu quả công tác chống dịch lẫn tiếp tế an sinh, là cánh tay nối dài của chính quyền để thực thi triển khai đưa về cho dân.

Nhưng không thể phủ nhận còn rất nhiều khu phố, nhiều tổ vẫn có cụm dân cứ hễ đưa danh sách đăng ký tiêm vaccine, là dường như danh sách bị "bốc hơi" đâu đó khiến cả cụm dân, thậm chí cả khu chung cư không có một ai được tiêm chủng dù rất nhiều đối tượng thuộc nhóm "ưu tiên" theo từng đợt tiêm trong chiến lược của thành phố. Điều này lại khiến có nhiều hộ gia đình trong một cụm dân, khu chung cư phải tương tế, sẻ chia cho nhau từ gạo đến nước tương qua bữa, bởi không tiếp nhận được bất kỳ chế độ an sinh hay hỗ trợ thực phẩm nào.

Bếp ăn thiện nguyện của người Phú Long và Sovico vẫn đỏ lửa, mang đến hàng ngàn suất cơm mỗi ngày cho các khu vực cách ly, bệnh viện, người nghèo cơ nhỡ.

Những bếp ăn thiện nguyện vẫn đỏ lửa mỗi ngày, mang đến hàng ngàn suất cơm mỗi ngày cho các khu vực cách ly, bệnh viện, người nghèo cơ nhỡ... (ảnh: Bếp thiện nguyện của Phú Long)

Ngay cả như vậy, nếu tiếp tế lương thực đủ, cứu đói kịp lúc thì lại vẫn là chưa đủ. Vì còn đó định phí điện, nước… mà nhà đèn, nhà máy nước vẫn gửi hóa đơn đến định kỳ. Và dù các nhà này, thuộc Nhà nước, đã có hỗ trợ giảm phí, thì do dân ở yên trong nhà, việc tiêu thụ tăng lên, hóa đơn tăng lên, dân muốn không bị cúp điện, mất nước lại cũng cần được hỗ trợ cả tiền mặt. Sở LĐTB&XH dự kiến trao tiền là chuẩn xác. Và cần nhiều tiền hơn để trao được nhiều đối tượng hơn. Một lần nữa, dân đặt trọn niềm tin vào chính quyền, không chạy loạn, không vọt về quê, không bươn ra đường tìm kế sinh nhai phá vỡ các trận tuyến phòng chống dịch, và cũng đặt niềm tin hy vọng Thành phố đủ quyền, đủ lực để tính tiếp điểm này.

Trong kế hoạch giãn cách xã hội sau 15/8, tất nhiên, bên cạnh sinh kế ngắn hạn, đảm bảo an dân, còn phải tính sinh kế dài hạn. Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP gồm các chuyên gia kinh tế, dịch tễ đầu ngành đã có báo cáo nêu các mục tiêu cơ bản: TP HCM muốn phục hồi kinh tế, thoát dịch sớm là điều kiện cần thiết; Phải bảo vệ thành quả chống dịch trong 2,5 tháng qua (dù rằng thành quả cũng đã và đang trả giá bởi nhiều đau thương –NV); Bảo vệ sinh mạng (giảm tối thiểu ca tử vong, bảo vệ nhóm rủi ro cao); Bảo vệ và giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải; Kiềm chế tốc độ của dịch để chờ vaccine (và ít nhất phải được phủ xong 5 triệu vaccine trong tháng 8, chưa kể phải nâng tỷ lệ này lên cao hơn, sớm hơn, khi biến chủng Delta đã khiến tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tối thiểu 70% cũng không còn là miễn dịch an toàn- NV); Tạo được sự ủng hộ của xã hội với chính sách của chính quyền, người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả với chính quyền Trung ương và các tỉnh xung quanh.

Thách thức của TP HCM lúc này vô cùng lớn, nhưng TP HCM không thể không thực hiện. Bởi rõ ràng nếu TP không thực hiện và không thực hiện được, hậu quả là khó tưởng tượng; mức độ “domino” tới các địa phương xung quanh cũng có thể xảy ra.

“Không hối tiếc” và đảm bảo bằng mọi giá cho sinh mạng – sinh kế người dân, là khát vọng của cả TP, lúc này!

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM kiến nghị Thủ tướng 4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất

    TP.HCM kiến nghị Thủ tướng 4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất

    12:43, 18/08/2021

  • DUY TRÌ MẠCH SỐNG CHO TP HCM: 4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19

    DUY TRÌ MẠCH SỐNG CHO TP HCM: 4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19

    01:23, 17/08/2021

  • DUY TRÌ MẠCH SỐNG CHO TP HCM: “4 xanh” để doanh nghiệp sản xuất trở lại!

    DUY TRÌ MẠCH SỐNG CHO TP HCM: “4 xanh” để doanh nghiệp sản xuất trở lại!

    14:26, 16/08/2021

  • [eMagazine] Sau 1 tháng phát tiền cho dân, xin đừng chậm trễ hơn nữa!

    [eMagazine] Sau 1 tháng phát tiền cho dân, xin đừng chậm trễ hơn nữa!

    18:31, 31/07/2021

LÊ MỸ