Cầu Thủ Thiêm 2 trở thành biểu tượng kiến trúc của TP HCM
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 mới đây.
>>>TP.HCM: Đến năm 2025 cơ bản xóa bỏ vấn đề tồn đọng về nhà ở ven kênh rạch
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, cầu Thủ Thiêm 2 là công trình hạ tầng giao thông quan trọng, góp phần tiếp thêm động lực phát triển cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố, vừa là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan Sông Sài Gòn.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thành phố đề ra mục tiêu xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm đô thị văn minh hiện đại, trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại cao cấp không chỉ của Thành phố mà của khu vực theo cơ chế tổ chức quản lý mới nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển. Đây là khu đô thị được tập trung đầu tư, xây dựng hiện đại hoàn chỉnh, hình thành không gian sống, làm việc lý tưởng, gần gũi thiên nhiên.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương và sự tham gia, phối hợp của cả hệ thống chính trị TP.HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã dần hình thành và tạo nên một diện mạo mới của khu đô thị hiện đại. Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn để kết nối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Hôm nay công trình Cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính, tăng cường kết nối khu vực trung tâm Thành phố với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức hút để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030 theo Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 14-10-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cầu Thủ Thiêm 2 với thiết kế kiến trúc đặc thù, trụ tháp cầu dạng “đầu rồng” độc đáo do Công ty WSP - Phần Lan thiết kế, được Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP.HCM lựa chọn, UBND TP.HCM phê duyệt. Trong đó, phần cầu chính có kết cấu dây văng “hai mặt phẳng dây” với chiều dài 200m và 1 trụ tháp dạng “đầu rồng” bố trí lệch về phía Thủ Thiêm, mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe được Bộ GTVT thẩm định theo quy định, phù hợp với kiến trúc, quy hoạch 2 bên bờ sông Sài Gòn, đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai và được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá công trình đạt chất lượng cao. Đồng thời, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đang được nghiên cứu đầu tư trong thời gian tới, sẽ là công trình kiến trúc biểu tượng của Thành phố trên dòng sông Sài Gòn, góp phần tạo thêm vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan đô thị của khu vực trung tâm Thành phố.
>>>Kinh tế TP.HCM phát triển toàn diện trong 4 tháng đầu năm
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, việc xây dựng và hoàn thành công trình cầu Thủ Thiêm 2 có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố trong bối cảnh Thành phố đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau tác động của đại dịch COVID-19. Có thể nói đây là niềm động viên, tạo động lực hết sức to lớn cho toàn thể nhân dân Thành phố từng bước khắc phục các khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
“Đặc biệt, trong thời gian sắp tới, với vai trò là trung tâm kinh tế của Vùng trọng điểm phía Nam, Thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có tính chất liên kết vùng như đường Vành đai 3 TP.HCM, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, cao tốc TPHCM - Mộc Bài… nhằm từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, cũng như góp phần tăng cường khả năng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các tỉnh lân cận”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Công trình thông xe giúp mở thêm hướng kết nối khu trung tâm hiện hữu qua trung tâm mới - khu đô thị Thủ Thiêm, giảm ùn tắc cho đường Tôn Đức Thắng. Với kiến trúc nổi bật, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, công trình được kỳ vọng là điểm nhấn trên sông Sài Gòn.
Theo quy hoạch, có 4 cây cầu và một hầm kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Nguyễn Hữu Cảnh với khu vực trục Đại lộ Đông - Tây đưa vào khai thác năm 2008. Sau cầu Thủ Thiêm 2, TP.HCM đang chuẩn bị đầu tư hai cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 7) trước năm 2030.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội từ tháng 4/2022
05:40, 27/04/2022
TP.HCM: Đến năn 2025 cơ bản xóa bỏ vấn đề tồn đọng về nhà ở ven kênh rạch
20:52, 26/04/2022
Kinh tế TP.HCM phát triển toàn diện trong 4 tháng đầu năm
16:34, 26/04/2022
Phát hiện điểm hẹn mới của giới tinh hoa tại TP.HCM
12:10, 26/04/2022
TP.HCM đề xuất chấm dứt hoạt động của Ban Quản lý Khu Nam
21:14, 21/04/2022
Dự án nhà biệt thự phường Thảo Điền Q.2: Các cơ quan chức năng TP.HCM có đùn đẩy trách nhiệm?
04:20, 21/04/2022
5 yếu tố để TP.HCM phát triển kinh tế số
15:20, 15/04/2022