TP.HCM: 8-10 bệnh viện sẽ sử dụng thuốc Remdesivir điều trị cho bệnh nhân COVID-19
Dự kiến khoảng 8-10 bệnh viện ở TP.HCM sẽ tiếp nhận lô thuốc Remdesivir đầu tiên 10.000 lọ để đưa vào sử dụng trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Đây là lô thuốc đầu tiên trong đơn hàng 500.000 lọ thuốc Remdesivir Công ty dược phẩm Cipla - Ấn Độ sản xuất được Tập đoàn Vingroup đàm phán và ký kết thành công, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Mỹ. Toàn bộ lô thuốc này được Vingroup tài trợ cho Bộ Y tế để điều trị cho bệnh nhận COVID-19 tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý, người dân tuyệt đối không săn lùng và tự ý sử dụng thuốc này. Việc chỉ định, liều lượng sử dụng thuốc Remdesivir phải do các bác sĩ tại các cơ sở điều trị ra y lệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị bệnh nhân COVID-19. Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ và EU... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020.
Toàn bộ lô thuốc vừa về TP.HCM và các lô tiếp theo sẽ được Bộ Y tế phân bổ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhằm sử dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở nơi đang có nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng. Nếu tình huống các tỉnh khác cần sẽ điều chỉnh sau.
Trên cơ sở hướng dẫn chung, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương phải phát huy tính chủ động, biện pháp nào điều trị tốt cho bệnh nhân COVID-19 cần phát huy nhằm giảm tử vong, giảm bệnh nhân chuyển nặng.
Trước đó, chiều 6/8, tại Cục Quản lý khám chữa bệnh, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với các thành viên trên khắp cả nước về cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Các thành viên đã thảo luận về các thuốc điều trị COVID-19 hiện nay như thuốc điều trị rối loạn đông máu thêm loại đường uống, thuốc kháng virus, thuốc kháng thể đơn dòng, thuốc diệt ký sinh trùng... và thuốc Remdesivir.
Ngày 1/5/2020, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng thuốc Remdisivir trong điều trị những trường hợp mắc COVID-19 (ca xác định hoặc nghi ngờ) ở người lớn và cả trẻ em, thuốc chỉ được sử dụng trong điều trị nội trú.
Remdisivir là thuốc kháng virus phổ rộng, sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch, thời gian sử dụng thuốc cho một đợt điều trị là 10 ngày; được đánh giá dựa trên một phân tích dữ liệu từ công trình nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát với 1.063 bệnh nhân mắc COVID-19, bắt đầu ngày 21/2/2020.
Nghiên cứu này còn được gọi là "thử nghiệm điều trị COVID-19 thích nghi", được tài trợ bởi Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID - Mỹ). Đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Mỹ nhằm đánh giá một phương pháp điều trị thử nghiệm cho COVID -19.
Người đầu tiên tham gia thử nghiệm này là một tình nguyện viên người Mỹ vừa được trở về nước sau khi bị cách ly trên tàu du lịch Diamond Princess cập cảng ở Yokohama (Nhật Bản). Tổng cộng có 68 địa điểm tham gia vào nghiên cứu, trong đó ở Mỹ 47 điểm và 21 điểm tại các quốc gia ở châu Âu và châu Á.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn 31% so với những người dùng giả dược (giả dược là vật chất hay phương pháp trị liệu được thiết kế để không có hiệu quả điều trị). Cụ thể, thời gian trung bình để phục hồi là 11 ngày đối với bệnh nhân được điều trị bằng Remdesivir so với 15 ngày đối với những người dùng giả dược.
Kết quả cũng cho thấy tỉ lệ tử vong là 8,0% đối với nhóm nhận Remdesivir so với 11,6% đối với nhóm giả dược (p= 0,059). Trước đó, Remdesivir đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng đối với bệnh nhân mắc virus Ebola nhưng cho hiệu quả còn hạn chế và tiếp tục được nghiên cứu trong các mô hình động vật đối với SARS-CoV và MERS-CoV.
Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Remdesivir là thuốc hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc đặc trị COVID-19. Đây là thuốc mới nên việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định. Liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ chất lượng, hiệu quả của thuốc. Toàn bộ lô thuốc kháng virus Remdesivir điều trị COVID-19 về Việt Nam sẽ được chuyển cho các cơ sở y tế ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam sử dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở thể trung bình và nặng.
TS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, tất cả các nghiên cứu đều cho thấy thuốc Remdesivir có tác dụng kháng virus. Tuy nhiên mức độ tương đối hạn chế, người bệnh mắc COVID-19 phải được sử dụng từ rất sớm, ở giai đoạn đầu khi mới phát triệu chứng (7 ngày đầu).
“Còn đối với các ca nặng, các bác sĩ có thể sử dụng phối hợp để làm giảm tải lượng virus xuống, kéo giảm thời gian điều trị nhưng hoàn toàn không làm thay đổi kết cục sau cùng của quá trình điều trị (tức tỉ lệ tử vong). Do đó thuốc này chỉ là một trong các vũ khí, không phải là cứu cánh lớn trong việc kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong", bác sĩ Hùng nói.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị dừng phương án "3 tại chỗ"
16:53, 07/08/2021
Những tín hiệu tích cực sau hơn 3 tháng chống dịch của TP.HCM
13:47, 06/08/2021
TP.HCM sẽ cho Hải Phòng “mượn” 500.000 liều vắc xin Sinopharm?
17:40, 05/08/2021
TP.HCM: F0 tăng giảm thế nào qua 10 ngày cấm người dân ra đường sau 18h?
14:37, 05/08/2021
TP.HCM sẽ có gói hỗ trợ lần 2 cho lao động tự do
17:37, 03/08/2021
Tiêm vaccine Sinopharm ở TP.HCM, chuyên gia góp ý ra sao?
15:00, 03/08/2021