Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị dừng phương án "3 tại chỗ"

Diendandoanhnghiep.vn Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM đề xuất dừng phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo nguồn cung hàng hóa.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, thực hiện phương án “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, chi phí phát sinh tăng cao, trong khi đó số lượng công nhân sản xuất lại giảm rất nhiều. Do đó, không thể đảm bảo được sản lượng hàng hóa theo yêu cầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm việc với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thiệt yếu tại TP.HCM.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm việc với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thiệt yếu tại TP.HCM. (Ảnh Chí Hùng).

Theo bà Bùi Mai Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Kỹ nghệ Việt Nam (Vifon), để bố trí đúng theo phương án sản xuất "3 tại chỗ", số lượng công nhân làm việc của công ty hiện phải giảm từ 1.300 công nhân xuống còn khoảng 500 công nhân, kéo theo sản lượng sụt giảm rất nhiều.

Bà Phương cho biết, ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, Vifon cũng xuất khẩu rất nhiều, nếu không đáp ứng được các đơn hàng theo hợp đồng đã ký sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có thể sẽ mất thị trường.

"Nếu cứ kéo dài "3 tại chỗ" như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Chúng tôi mong muốn các cấp xem xét lại có cần thực hiện tiếp phương án này nữa không hoặc tìm một phương án khác để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất 100%, đáp ứng nhu cầu khan hiếm hàng hóa của Thành phố cũng như của các tỉnh lân cận", bà Phương trình bày.

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Vissan, cho biết mô hình "3 tại chỗ" khó duy trì hơn 1 tháng bởi tâm lý người lao động cũng như điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị không thể đảm bảo. Công ty kiến nghị được hoạt động sản xuất lại với mô hình như bình thường và test nhanh cho người lao động 1 lần/tuần. Nếu phát hiện ca F0 thì chính quyền địa phương hỗ trợ cách ly, phân loại để tiếp tục sản xuất.

Theo ông Khoa, hiện đơn vị có khoảng 700 ca F1. Do đó, công ty kiến nghị sau khi tuân thủ cách ly 14 ngày theo quy định, xét nghiệm gần nhất âm tính thì cho phép người lao động được sản xuất lại để đảm bảo nguồn cung.

“Bên cạnh đó, việc Thành phố quy định hạn chế ra ngoài trong khoảng 18 giờ - 6 giờ gây ảnh hưởng rất nhiều cho khâu cung ứng hàng hóa. Nhiều lao động tại công ty phải chở thịt heo, sản xuất pha lóc diễn ra buổi tối nên bị hạn chế. Chúng tôi kiến nghị giãn ca, ưu tiên thời gian để đơn vị chủ động đưa hàng ra thị trường", ông Khoa kiến nghị.

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn với phương án

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn với phương án "3 tại chỗ".

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, riêng về mặt hàng mì ăn liền TP.HCM hiện có 2 đơn vị lớn là Acecook và Vifon với sản lượng tổng cộng trên 4 tỷ gói/năm. Do đó, nếu 2 nhà máy này có vấn đề thì sản lượng mì ăn liền của cả nước sẽ bị "đứt gãy" theo.

"Lúc trước các doanh nghiệp chỉ nghĩ rằng sẽ sản xuất "3 tại chỗ" trong điều kiện khoảng 1 tháng. Nếu kéo dài phương án này, các doanh nghiệp sẽ không làm nổi. Người lao động sẽ bức bách, sinh hoạt khó khăn… Do đó, tôi kiến nghị nghiên cứu không nên tiếp tục phương án này  mà để cho các nhà máy tự chủ, quản lý theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn để không để xảy ra dịch bệnh", bà Chi đề xuất.

Trả lời các doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phương án "3 tại chỗ" chỉ có thể áp dụng tối đa 3 tuần. Không thể áp dụng giống như trường hợp 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang được, phương án cứng rắn này chỉ là giải pháp tạm thời.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt vấn đề với doanh nghiệp: "Nếu chúng tôi cho chủ trương các doanh nghiệp tự chủ thì doanh nghiệp sẽ tổ chức như thế nào?".

Về vấn đề này, bà Lý Kim Chi cho biết, đã tiếp thu được một số kiến nghị từ các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất 3 phương án nếu được cho phép tự chủ sản xuất.

Thứ nhất, doanh nghiệp đề nghị sản xuất với 2/3 công nhân. Tuyên truyền cho công nhân khi về thì ở yên trong nhà, nhà máy sẽ đi chợ cho công nhân của mình. Thứ hai, toàn bộ công nhân phải được "phủ vắc xin" để đảm bảo an toàn. Thứ ba, doanh nghiệp tính phương án sản xuất 50%. Cụ thể, công nhân đi ca 15 ngày thì sẽ cho nghỉ 1 tuần, sau đó sẽ xét nghiệm trước khi vào làm việc.

Liên quan đến những kiến nghị này của các doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM phân loại các nhà máy buộc phải duy trì sản xuất (vật tư y tế, lương thực, thực phẩm) phải coi như tuyến đầu, ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ nhân viên.

"Những doanh nghiệp quan trọng hàng đầu thì nên tạo điều kiện để họ chủ động hợp tác với các đơn vị y tế tư nhân để làm nhiệm vụ giám sát y tế ngay tại nhà xưởng và chỗ ở của công nhân, bất kể ai có triệu chứng bệnh gì phải có bác sĩ khám ngay. Công ty phải nắm rõ được bao nhiêu công nhân đang ở trong "vùng xanh", bao nhiêu ở "vùng đỏ" thì mới có phương án sản xuất phù hợp. Nếu công nhân ở "vùng đỏ" thì công ty có thể thuê nhà trọ hoặc ở tại công ty số lượng ít", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị dừng phương án "3 tại chỗ" tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714067997 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714067997 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10