Theo thông tin từ Sở LĐTB-XH TP.HCM, gói hỗ trợ lần này sẽ không phân biệt thường trú hay tạm trú, ai có mặt tại TP.HCM đều được hỗ trợ, do đây là cứu trợ đột xuất ngắn hạn vì đại dịch.
Đại diện Sở LĐTB-XH TP.HCM cho biết, thực tế hiện nay có rất đông người lao động nghèo ở nhà trọ, xóm lao động, khu phong tỏa. Bên cạnh đó là các hộ nghèo, cận nghèo ở các quận huyện, TP Thủ Đức không có việc làm, không có tích lũy nên cuộc sống rất khó khăn.
Do đó, ấp, khu phố, tổ dân phố xem xét các trường hợp thật khó khăn đề xuất phường, xã hỗ trợ bằng nguồn ngân sách TP.HCM cũng như nguồn vận động hợp pháp khác, và nguồn quỹ phòng, chống COVID-19 để hỗ trợ cho bà con sống qua ngày của đại dịch trong thời gian giãn cách tới 15/8. Mức hỗ trợ từ 1-1,5 triệu đồng/hộ.
“Những hộ khó khăn hơn, nhiều nhân khẩu thì địa phương hỗ trợ thêm bằng nguồn vận động hợp pháp. Đến thời điểm này, lao động nghèo, ai có mặt tại TP.HCM thì được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú, do đây là cứu trợ đột xuất ngắn hạn vì đại dịch”, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM cho biết.
Đặc biệt, Sở LĐTB-XH TP.HCM đề xuất tiếp tục hỗ trợ lần 2 cho những ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đối với 344.000 lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động theo Nghị quyết 09. Tổng số tiền dự kiến là 501 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP.HCM.
Cùng với đó, những người lao động ở nhà trọ, xóm nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ, với khoảng 170.000 hộ (170 tỷ đồng). Sở cũng đề xuất hỗ trợ đối với 90.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TPHCM.
Tổng kinh phí cho đợt hỗ trợ này khoảng 771 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố. Sở LĐTB-XH TP.HCM cũng đề nghị UBND TP.HCM giao Sở Tài chính hướng dẫn ngay việc sử dụng kinh phí trong dự toán để hỗ trợ.
Theo thống kê của Sở LĐTB-XH TP.HCM, tính đến ngày 1/8, đã có hơn 365.000 trường hợp người lao động, hộ kinh doanh, thương nhân ở các chợ truyền thống đã thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ của Thành phố và Trung ương do tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, có 311.619/311.619 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm đã nhận được hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương với kinh phí hơn 467,428 tỷ đồng (đạt tỷ lệ hoàn thành 100%).
Trong đó, TP Thủ Đức là địa phương chiếm tỷ lệ đông nhất với hơn 32.276 người, kế đến là quận Bình Thạnh với hơn 28.458 người; ít nhất là huyện Nhà Bè với 4.103 người; huyện Cần Giờ, Quận 3 và quận Phú Nhuận, mỗi đơn vị chỉ hơn 5.000 người.
Các địa phương cũng đã hoàn thành 100% việc chi hỗ trợ cho 5.563 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với kinh phí hơn 11,2 tỷ đồng. Theo đó, 6 địa phương có các trường hợp này gồm quận Gò Vấp (với 4.978 hộ kinh doanh), Bình Tân (441 hộ), huyện Hóc Môn (57 hộ), Quận 8 (47 hộ), Quận 12 (45 hộ), huyện Củ Chi (35 hộ).
Ngoài ra, các địa phương cũng đã hỗ trợ 10.432/12.554 thương nhân tại các chợ truyền thống (đạt tỷ lệ 83,10%) với kinh phí hơn 15,7 tỷ đồng.
Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM, Thành phố cũng đang tiếp tục thống kê số lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân Thành phố gồm bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ, bán báo dạo…
Có thể bạn quan tâm
Tiêm vaccine Sinopharm ở TP.HCM, chuyên gia góp ý ra sao?
15:00, 03/08/2021
TP.HCM vào đợt tiêm thứ 6: Người dân tự nguyện, đồng ý mới tiêm
14:14, 03/08/2021
Tổ công tác 970 hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho công nhân gặp khó khăn tại TP.HCM
11:02, 02/08/2021
Tại TP.HCM, shipper tuân thủ các qui định nhận diện được phép di chuyển liên quận
14:47, 31/07/2021
TP.HCM thu ngân sách vượt dự toán nhờ đâu?
04:30, 31/07/2021