Nâng cấp vaccine COVID-19 để ứng phó với các biến chủng mới
Việc các chuyên gia liên tục cảnh báo về độ nguy hiểm của các biến chủng virus SARS-CoV-2 đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc điều chỉnh các loại vaccine hiện tại.
Sự nguy hiểm của các biến chủng
Mặc dù hiện nay biến chủng Delta đang là mối quan tâm lớn, nhưng các nhà khoa học cho rằng, biến chủng Beta và Lamdba cũng cần được chú ý hơn trong thời gian tới. Chuyên gia Laith Jamal Abu-Raddad, thuộc Trường Y Weill Cornell cho biết, người nhiễm biến chủng Beta (lần đầu được phát hiện tại Nam Phi) có nguy cơ phải nhập viện để được chăm sóc tích cực, và có xác suất tử vong cao hơn bệnh nhân nhiễm các biến chủng khác
Một số chứng cứ cho thấy số ca bệnh nặng trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 tại Nam Phi do biến chủng Beta gây ra nhiều hơn hẳn so với số ca trong làn sóng đầu tiên tại quốc gia này.
So với chủng Alpha, người nhiễm biến chủng Beta có nguy cơ hình thành bệnh nặng hơn 25%; cần chăm sóc tích cực cũng nhiều hơn 50%. Xác suất tử vong do biến chủng Beta cao hơn 57% so với biến chủng Alpha.
Đáng lo ngại, biến chủng Beta có thể chống lại các kháng thể hình thành từ vaccine, và kháng thể hình thành sau khi một người từng mắc bệnh. Trên thực tế, biến thể Beta cũng được chứng minh là một thách thức lớn đối với các loại vaccine Covid-19 hiện nay.
Bên cạnh Beta, Tiến sĩ Gregory Poland, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Vaccine tại trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận Mayo Clinic ở Mỹ đánh giá, biến chủng Lambda cũng cần được chú ý theo dõi khi cho thấy khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng.
Hiện, khoảng 29 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Lambda. Biến chủng này lần đầu xuất hiện ở Peru vào tháng 12 năm ngoái và được cho có khả năng lây lan chậm. Nhưng sau đó, nó đã tăng tốc và chiếm tới 90% tổng số ca nhiễm ở đây.
Bằng chứng sơ bộ cho thấy biến chủng Lambda có thể làm tăng tính lây nhiễm do khả năng xâm nhập tế bào con người dễ dàng và né hệ miễn dịch tốt hơn nhờ các protein gai. Tuy nhiên các loại vaccine vẫn có hiệu quả đối với chủng này.
Mặc dù vậy, hiện chưa rõ những đột biến có khiến Lambda trở thành chủng virus đáng lo ngại hơn hay không; cũng như còn quá sớm để xác định liệu chủng Lambda có gây bệnh nặng hơn hoặc tăng nguy cơ tử vong cho người nhiễm.
Nâng cấp vaccine có cần thiết?
Tuy nhiên, sự lây lan rộng rãi của biến chủng Delta là lời cảnh báo các quốc gia cần nhanh chóng tiêm chủng diện rộng trước khi virus tiếp tục đột biến. Các loại vaccine hiện nay đều có tác dụng ngăn chặn nguy cơ tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong, nhưng hiệu quả với một số biến chủng đã giảm sút.
Mani Foroohar, một nhà phân tích công nghệ sinh học tại ngân hàng đầu tư SVB Leerink ở Boston, Massachusetts cho biết, thế giới sẽ tiếp tục thấy ngày càng nhiều biến chủng xuất hiện và cuối cùng một trong số đó sẽ học được cách tránh hệ thống miễn dịch do vaccine tạo ra.
“Chính vì vậy, cách tốt nhất để chống lại mối đe dọa từ các biến thể mới là tiêm chủng nhanh chóng và bắt đầu thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và điều chế vaccine thế hệ mới để đối phó tốt hơn với các biến chủng trong tương lai”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Một số nhà phát triển vaccine đang tiến hành kế hoạch nâng cấp các loại vaccine để có thể ngăn chặn các biến thể mới như Beta và Delta. Những biến chủng này sở hữu các đột biến làm giảm tác dụng của các kháng thể quan trọng để chống lại sự lây nhiễm. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu đang xem xét khả năng vaccine cần phải được cải tiến định kỳ, giống như các loại vaccine dành cho bệnh cúm.
Trên thực tế, nhiều phòng thí nghiệm đang tiến hành giám sát các chủng cúm mới để tìm ra những thay đổi di truyền có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Những đánh giá này được tiến hành hàng năm cho mỗi mùa cúm và những thay đổi sẽ chỉ được thực hiện khi một chủng virus mới né tránh được các loại vaccine đang sử dụng phổ biến hiện nay. Nếu chủng virus chỉ phổ biến trong một khu vực hay một quốc gia, việc nâng cấp vaccine sẽ không diễn ra.
Tuy nhiên, với virus gây Covid-19, giới nghiên cứu vẫn chưa có đủ dữ liệu về sự phân bố địa lý của các biến chủng, cũng như khả năng kháng các loại vaccine của chúng. "Chúng tôi không thể theo đuổi mọi biến thể mới xuất hiện. Trước mắt, các nước cần đẩy mạnh tiêm chủng diện rộng trên toàn cầu, đặc biệt là các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp để ngăn virus đột biết trước khi tiêm mũi thứ ba hoặc sản xuất vaccine thế hệ tiếp theo", Giáo sư Sunil Lal của Đại học Monash nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 3: Nên hay không?
14:53, 11/08/2021
Vimedimex đã đàm phán mua vaccine Sputnik V như thế nào?
03:00, 11/08/2021
Đề xuất nhập, tiêm vaccine dịch vụ: Loại hình dịch vụ nào phù hợp?
00:37, 11/08/2021
Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho toàn dân
09:36, 10/08/2021
Làm gì để không lãng phí một mũi vaccine nào?
05:00, 10/08/2021