KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tái khởi động các nhà máy bị phong tỏa
Trước những khó khăn vướng mắc, Hội Liên hiệp thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) kiến nghị được tái khởi động các nhà máy bị phong tỏa do dịch COVID-19…
Kiến nghị tới Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 26/9, KOCHAM cho biết, các nhà máy của các doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương dù không có ca nhiễm nào được xác nhận tại cơ sở sản xuất của Công ty nhưng công nhân vẫn không thể đi làm, gây khó khăn cho việc vận hành các nhà máy.
Cùng với đó, khi có ca nhiễm, việc phân loại F1, F2 của cơ quan y tế không được thực hiện nhanh chóng, mất nhiều thời gian tại hiện trường.
Từ đó, tổ chức này kiến nghị được tái khởi động các nhà máy bị phong tỏa do dịch COVID-19, trong đó, được đảm bảo việc di chuyển của công nhân trong khu vực phong tỏa khi thực sự cần thiết; kiểm soát linh hoạt để người lao động có kết quả xét nghiệm PCR âm tính có thể đi ra ngoài khu vực phong tỏa.
Đồng thời, đề nghị phong tỏa từng phần nhà xưởng dưới sự đánh giá tại chỗ của cơ quan y tế trong trường hợp có F0; Cho phép F2 được tham gia ngay sản xuất sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính; Cho phép người lao động được rút ngắn thời gian cách ly để tiếp tục tham gia sản xuất sau khi có xét nghiệm PCR âm tính; Ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng ở những khu vực, những ngành có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cũng gửi kiến nghị đến Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cho hay, có khoảng 80% các doanh nghiệp Hàn Quốc được khảo sát trả lời rằng gặp nhiều khó khăn do việc nhập cảnh đặc biệt không được thực hiện suôn sẻ thời gian gần đây. Ngoài ra, nếu không thể nhập cảnh đặc biệt vào Việt Nam (bao gồm nhập cảnh riêng lẻ vào các địa phương trong nước) trong 3 tháng tới thì sẽ có khoảng 71,1% doanh nghiệp dự kiến chịu thiệt hại hơn 100.000 USD
“Với những người nhập cảnh từ nước ngoài, thời gian cách ly tại cơ sở cách ly ban đầu là 14 ngày bây giờ đã được kéo dài thành 21 ngày tại cơ sở cách ly và 7 ngày tự cách ly tại nhà cũng là một trong những khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc”, KOCHAM chia sẻ.
Từ đó, KOCHAM đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện lại việc nhập cảnh đặc biệt ngay sau khi khi tình hình dịch dần ổn định và rất mong sẽ nhận được ý kiến chỉ đạo từ chính phủ về các thủ tục cần chuẩn bị trước để chúng tôi có thể chuẩn bị được tốt nhất có thể.
Đồng thời, tổ chức này cũng khuyến nghị, rút ngắn đáng kể thời gian cách ly đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài đã tiêm vắc xin. Và đối với cả những người chưa được tiêm vắc xin, sau khi đợt bùng phát trong cộng đồng lần này được lắng xuống thì cũng xin rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 14 ngày như ban đầu (có thể thêm 7 ngày tự cách ly tại nhà nếu cần thiết).
Ngoài ra, KOCHAM cũng đề nghị Chỉnh phủ tiếp tục ban hành các chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam và có thể tăng cường việc đầu tư hơn nữa trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Các quy tắc và quy định mới cần rõ ràng để phục hồi kinh tế
04:20, 04/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh
04:15, 04/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tháo gỡ khó khăn về thuế xuất nhập khẩu
04:10, 04/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Duy trì hiệu lực của giấy phép lưu hành sản phẩm
06:10, 03/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Sớm triển khai các nội dung Nghị quyết số 105/NQ-CP
06:00, 03/10/2021