KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Miễn giảm hơn nữa thuế giá trị gia tăng
Do lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp hiện nay không đáng kể, thậm chí không có lợi nhuận, Hiệp hội In Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính miễn giảm hơn nữa thuế giá trị gia tăng (GTGT)…
Kiến nghị đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa qua, Hiệp hội In Việt Nam cho biết, có tới 75% doanh nghiệp ngành in tỏ ra bi quan về sự phục hồi và ổn định trong thời gian tới. Số còn lại hy vọng sản xuất kinh doanh sẽ được phục hồi khi khu vực hoặc cả nước sẽ khống chế được dịch bệnh để trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong đó, những mối lo ngại như: Đứt gãy chuỗi khách hàng, khi có không ít khách hàng của ngành in bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, khả năng sớm phục hồi là khá thấp, khoảng 15% khách hàng nước ngoài đã ngừng đơn hàng tại Việt Nam để chuyển sang khu vực khác, việc nối lại đơn hàng sẽ rất gian nan.
Theo Hiệp hội In Việt Nam, khó khăn rất lớn của ngành là nguồn lực về lao động bởi ngành in Việt Nam vốn đã thiếu hụt nghiêm trọng, nay số lao động rời khỏi ngành in đang gia tăng hằng ngày, kể cả lao động kỹ thuật và lao động giản đơn. Các dự án lớn đầu tư trong nước đã chững lại suốt 2 năm qua, một số doanh nghiệp đã đóng cửa, trong đó một số sẽ ngưng hoạt động vĩnh viễn. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng do điều kiện hoạt động, thiếu chuyên gia do thủ tục nhập cảnh.
Cũng theo Hiệp hội In Việt Nam, do nguồn lực bị bào mòn nên sự cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường trong nước sẽ trở nên cam go hơn gấp bội, khả năng hội nhập quốc tế lại còn khó khăn hơn trước.
“Trong văn bản của 14 Hiệp hội ngành nghề lớn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 16/9/2021 về việc đề xuất chiến lược phòng chống dịch bệnh và giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, các Hiệp hội đã đề xuất khá đầy đủ nguyện vọng của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành in như miễn giảm các loại thuế, phí, tiền điện nước, tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn giảm tiền Bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, gia hạn nợ ngân hàng 12 tháng đối với nợ ngắn hạn và 24 tháng đối với nợ dài hạn...”, Hiệp hội In Việt Nam chia sẻ.
Từ đó, Hiệp hội In Việt Nam kiến nghị, tình hình khống chế dịch bệnh hiện nay đã có nhiều tiến triển tốt hơn nên Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương cần sớm có các phương án phù hợp tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại mà không gặp phải nhiều thủ tục quy định quá nhiêu khê, tốn kém không cần thiết, đặc biệt trong việc đi lại của người lao động, việc vận chuyển, giao nhận vật tư, hàng hóa, các dịch vụ hỗ trợ của doanh nghiệp.
Đáp ứng đầy đủ việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho người lao động, kể cả việc tiêm chủng tại chỗ nếu doanh nghiệp có yêu cầu.
Ngoài ra, việc miễn giảm 30 % thuế thu nhập doanh nghiệp không quan trọng bằng việc miễn giảm hơn nữa thuế GTGT vì thực tế lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp hiện nay không đáng kể, thậm chí không có lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đẩy nhanh các biện pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng
03:55, 07/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Phân bổ vắc xin phòng dịch COVID-19 cho các cơ sở y tế tư nhân
03:40, 07/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đồng bộ hướng dẫn khi áp dụng 3 tại chỗ
03:35, 07/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đảm bảo sản xuất và chuỗi cung ứng
04:00, 06/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đẩy nhanh tiến độ giảm thuế, phí và tiền thuê đất
03:55, 06/10/2021