Hoàn thuế GTGT - Không thể để trì trệ, loay hoay mãi
Trước hiện trạng hoàn thuế giá trị gia tăng theo kiểu “rùa bò”, để đảm bảo công bằng, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét trách nhiệm đối với các đơn vị thi hành…
>> Cần hoàn thiện các quy định về hoàn thuế VAT
Không phải câu chuyện mới, thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp: đơn hàng ít, tồn kho tăng, lãi vay cao và tiếp cận vốn khó,… thì việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) kéo dài hết năm này qua năm khác khiến hàng loạt doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản.
Đáng nói, theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, các cục thuế, chi cục thuế tỉnh, thành phải tập trung đối chiếu xác minh thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp qua các khâu từ F1, F2, F3… cho đến khâu cuối cùng, trong khi quy định của luật về hoàn thuế GTGT không yêu cầu như vậy. Đây được cho là một trong những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến việc hoàn thuế cho doanh nghiệp tiến triển theo tốc độ “rùa bò” và “gánh nặng” vẫn đè vai doanh nghiệp.
Chia sẻ về những bất cập về giải quyết thủ tục mà hoàn thuế đưa ra, không ít ý kiến cho rằng, với các khâu kiểm tra, xác minh hoàn thuế đã đề ra, để làm đúng – đủ quy trình gần như khó khả thi, chưa kể, đối với dăm gỗ, viên nén làm từ gỗ do mua qua nhiều thương lái nên rất khó truy xuất nguồn gốc.
Thông tin với báo chí, ông Thang Văn Thông - Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho biết, cây gỗ khi bán đến doanh nghiệp xuất khẩu đã qua nhiều thương lái. Với cách làm của ngành Thuế hiện nay, nếu như không tìm được một trong những thương lái thì công ty sẽ không được hoàn thuế, trong khi việc mua bán qua nhiều thương lái, nhiều tỉnh thành, nếu kiểm tra từng công ty, từng thương lái thì không biết đến bao giờ các công ty mới được hoàn thuế.
>> Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đôn đốc Tổng cục Thuế nhanh chóng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp
Thực tế, trong hơn 1 tháng qua, rất nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu đẩy mạnh hoàn thuế cho doanh nghiệp nhưng tiến độ vẫn chưa có nhiều tiến triển. Thậm chí còn có tình trạng đá qua đá lại, nơi này chờ nơi kia,… trong khi sức khỏe của rất nhiều doanh nghiệp thì không chờ lâu hơn được nữa.
Và trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại, doanh nghiệp nợ thuế thì bị phạt, bị tính lãi, bị bêu tên, thậm chí bị cưỡng chế, nhưng việc chậm hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp tính bằng năm thì chưa thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm. Vì vậy, để đảm bảo sự công bằng, cũng như nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thi hành, cần phải có cơ chế xử lý cụ thể nếu để xảy ra việc chậm hoàn thuế.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, về luật định, cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện hoàn thuế đầy đủ, đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc cho doanh nghiệp. Thời gian qua, có một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành gỗ và một vài ngành khác đã bị phát hiện cố tình gian lận để chiếm dụng tiền hoàn thuế, từ đó các cơ quan quản lý phải có thời gian kiểm tra, xác định lại, việc này là cần thiết. Tuy nhiên, luật cũng đã nêu rõ thời gian kiểm tra tối đa, nếu trong trường hợp cần thiết phải kéo dài thời gian này thì nhiều nhất là 15-20 ngày chứ không thể kéo cả năm. Việc hoàn thuế chậm, cơ quan quản lý thuế phải xem xét, thay đổi và quy định rõ nếu chậm thì được chậm bao lâu. Song song đó cũng cần quy định, dù đã được hoàn thuế nhưng sau này kiểm tra lại nếu phát hiện việc gian lận thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị thu hồi tiền hoàn thuế và nộp phạt, việc này nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp.
“Trong thực tế, các vi phạm về hoàn thuế là có, nhưng không thể vì thế mà để những doanh nghiệp chấp hành tốt phải thiệt hại. Tổng cục Thuế cần sớm giải quyết, nếu không thì Chính phủ, Quốc hội phải giải quyết để tháo gỡ cho doanh nghiệp”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Còn theo Luật sư Trần Xoa - Công ty luật Minh Đăng Quang, hoàn thuế là quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người nộp thuế theo luật định. Không ai được phép làm mất đi quyền lợi của người nộp thuế. Cơ quan quản lý Nhà nước nói chung hay cơ quan quản lý thuế càng bắt buộc phải tuân thủ theo luật. Việc làm theo các công văn nội bộ của ngành trong khi luật không có là gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó khiến cho các doanh nghiệp bị bế tắc, có thể phá sản sẽ kéo theo kinh tế cả nước chậm phát triển, nguồn thu ngân sách giảm đi là càng phải xem xét lại trách nhiệm.
Cho ý kiến về nội dung hoàn thuế tại cuộc họp Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6, ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chống gian lận, chống sai sót nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn, mà tiền của doanh nghiệp lại không hoàn, kéo dài đến mấy năm.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì có thể sống được không? Đây là vấn đề rất bức xúc đã được báo chí, cử tri nói nhiều, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết.
“Hoàn thuế là nghĩa vụ của Nhà nước, doanh nghiệp không xin, đây là tiền của doanh nghiệp. Do đó, cơ quan Nhà nước phải hướng dẫn thủ tục. Ai sai, ai vi phạm pháp luật thì xử lý; cán bộ thuế sai thì phải xử lý cán bộ thuế”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh “không thể để trì trệ, loay hoay mãi”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quỹ để hoàn thuế GTGT năm nào cũng được Quốc hội bố trí trong dự toán ngân sách, do đó, việc này cần làm ngay, làm sớm cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phải có giám sát, tổ chức phiên giải trình về vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Cần hoàn thuế nhanh, hỗ trợ xuất khẩu để doanh nghiệp quay trở lại
12:00, 11/07/2023
Cục Thuế các tỉnh phải báo cáo tiến độ hoàn thuế hàng tuần
00:10, 16/06/2023
Hoàn thuế GTGT: Cần công bằng và sòng phẳng
11:00, 09/06/2023
Cần hoàn thiện các quy định về hoàn thuế VAT
04:00, 29/05/2023
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đôn đốc Tổng cục Thuế nhanh chóng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp
21:25, 26/05/2023