Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra trong tuần này sẽ cho thấy tương lai của Ukraine trên con đường gia nhập khối.
>> Mục tiêu của Nga không chỉ là Ukraine
Trước khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas thu hút hầu hết sự chú ý của cộng đồng quốc tế, chiến sự Nga - Ukraine là cuộc khủng hoảng cấp bách nhất mà các nhà ngoại giao đang tìm cách giải quyết.
Tại Brussels, tuần này được coi là một thời điểm quan trọng khi các quốc gia thành viên EU gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm để xem xét việc tài trợ thêm cho Kiev và cuối cùng là mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine.
Tất cả những điều này có thể gặp cản trở bởi một quốc gia thành viên, đó là Hungary. Hầu hết các quyết định lớn của Brussels trước khi được đưa ra đều cần có sự chấp thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa là mọi quốc gia thành viên EU đều có thể sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn các chính sách cốt lõi của EU, chẳng hạn như gửi hàng tỷ euro đến một quốc gia bị chiến tranh tàn phá hoặc chấp thuận cho một quốc gia gia nhập khối.
Về lý thuyết, quyền phủ quyết này chỉ được sử dụng nếu một quốc gia thành viên thực sự phản đối chính sách hàng đầu của EU, nhưng các nhà quan sát nhận định, điều này ngày càng bị sử dụng như một công cụ để các nhà chính trị đạt được những điều họ muốn trong các lĩnh vực khác.
Trong trường hợp của Hungary, điều này được đem ra để đảm bảo việc giải ngân số tiền mà Brussels đã từ chối cấp cho Hungary với lý do lo ngại về tính độc lập của các thẩm phán ở Hungary và việc quốc gia này không tuân thủ Hiến chương các quyền cơ bản của EU - về các vấn đề bao gồm quyền tự do học thuật và tị nạn.
Với việc Ủy ban châu Âu thông báo sẽ giải ngân hàng tỷ euro từ quỹ gắn kết cho Hungary, rất có khả năng Budapest sẽ ngừng phản đối gói viện trợ mới nhất của EU dành cho Ukraine và ủng hộ việc Kiev trở thành thành viên của khối.
Nhưng đối với một số quan chức Ukraine và phương Tây làm việc chặt chẽ với Kiev, sự việc này chỉ là bằng chứng mới nhất cho thấy điều họ lo sợ nhất cuối cùng đã xảy ra: sự mệt mỏi của Ukraine.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói với CNN rằng vì trong mắt Ukraine, việc gia nhập EU gắn liền trực tiếp với tư cách thành viên NATO nên bất kỳ sự lưỡng lự nào từ các đồng minh châu Âu đều là một tín hiệu xấu khuyến khích Nga tiếp tục nỗ lực tiến hành cuộc chiến.
>> Đây là lý do đảng Cộng hòa muốn viện trợ Israel, thay vì Ukraine
Một quan chức cấp cao của NATO làm việc trực tiếp với Ukraine cho rằng đây cũng là tín hiệu cho thấy nếu tình trạng bất đồng kéo dài sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ nhất là phương Tây đang dần mất tập trung vào Ukraine.
Nhận định thêm về điều này, bình luận viên chính trị Luke McGee của CNN cho biết, chỉ cần nhìn vào các cuộc tranh luận đang diễn ra ở Washington liên quan đến việc tài trợ cho Ukraine, cũng như những cuộc tranh luận đó sẽ diễn biến như thế nào trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ thấy được tương lai các gói viện trợ cho Kiev.
"Bất kỳ điều gì xấu cho Ukraine lại là điều tốt cho Nga và các quan chức Nga biết điều đó. Có khả năng EU sẽ đưa ra thông điệp tích cực để nói về Ukraine. Tiền sẽ được gửi, các cuộc đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU sẽ tiếp tục. Và tất nhiên EU sẽ phản bác lại những tuyên bố về sự mệt mỏi của Ukraine bằng cách cho thế giới biết chính xác họ sẽ gửi cho Kiev bao nhiêu tiền viện trợ", ông Luke nói thêm.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cho biết, nhiều khả năng các đồng minh phương Tây của Ukraine đang mất dần sự quan tâm đến những gì từng là ưu tiên hàng đầu của họ. Và nếu ngay cả người châu Âu cũng mất hứng thú với một cuộc chiến tranh trên lục địa của họ, thì phần còn lại của thế giới sẽ nghĩ gì?
Có thể bạn quan tâm