Tìm cách "thoát" Trung Quốc, phương Tây bị đẩy vào thế khó
Nhiều chuyên gia cho rằng, phương Tây cần xây dựng chiến lược chặt chẽ để củng cố năng lực cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch.
>> Mỹ sẽ tái định hình thị trường năng lượng sạch?
Ngày nay, các nhà lãnh đạo phương Tây chuyển sang “giảm thiểu rủi ro” cho chuỗi cung ứng toàn cầu liên kết với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là duy trì quan hệ thương mại và sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ và bảo vệ các ngành công nghiệp thiết yếu trong nước.
Rõ ràng, một trong những ngành quan trọng đó là công nghệ năng lượng sạch, một lĩnh vực mà Trung Quốc đang có nhiều ưu thế. Nhưng khi nói đến năng lượng sạch, khó khăn trong việc giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc vẫn chưa được các nhà lãnh đạo phương Tây hiểu rõ hoặc truyền đạt tới công chúng.
Các khoản trợ cấp và hỗ trợ tài chính ngày càng lớn đã được đưa ra cho các doanh nghiệp để kích thích sản xuất trong nước. Mặc dù mục tiêu tăng tốc sản xuất năng lượng sạch được hoan nghênh nhưng chiến lược này không bền vững.
Giới quan sát cho rằng phương Tây cần một cách tiếp cận tinh tế hơn và câu trả lời không thể chỉ là trợ cấp. Theo ông Henry Sanderson, chuyên gia của Benchmark Mineral Intelligence, cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc về chi phí trong mọi lĩnh vực có thể sẽ lãng phí tnguồn lực, trì hoãn quá trình chuyển đổi năng lượng và dẫn đến thiệt hại lớn hơn do biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các chính phủ phương Tây nên suy nghĩ cẩn thận về cách cạnh tranh lâu dài với Bắc Kinh.
"Để làm như vậy, phương Tây cần làm rõ những lĩnh vực nào họ phải hỗ trợ tuyệt đối nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Những lĩnh vực này bao gồm đất hiếm, ví dụ, có mục đích sử dụng cho quân sự. Đối với các lĩnh vực khác, cần phải tìm cách xác định cách cạnh tranh với Trung Quốc về chi phí", ông Henry Sanderson nói thêm.
Câu trả lời không thể chỉ đơn giản là trợ cấp chênh lệch chi phí hoặc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc; những hành động đó sẽ chỉ làm tăng chi phí năng lượng sạch. Cụ thể, ông Henry Sanderson chỉ ra, thuế quan đối với việc nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã giúp hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước bằng cách hạn chế cạnh tranh về giá, nhưng cũng làm tăng giá lắp đặt tấm năng lượng mặt trời ở Mỹ.
Để cạnh tranh với Trung Quốc, cần có những biện pháp đổi mới với chi phí thấp, có thể mở rộng khai thác, chế biến và sản xuất, đồng thời những đổi mới này phải được khách hàng hỗ trợ thay vì chỉ trợ cấp.
>> Đón đầu xu hướng năng lượng sạch
Trên thực tế, khi nói đến ngành năng lượng sạch, Trung Quốc đang đi đầu không chỉ trong sản xuất và triển khai công nghệ năng lượng sạch mà còn cả về đổi mới. Nếu tình trạng đó tiếp tục, thế giới sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc không chỉ về công nghệ hiện tại mà còn cả công nghệ tương lai - và phương Tây sẽ đánh mất một trong những cơ hội kinh tế lớn nhất trong thế kỷ này.
Thay vào đó, các nước cần phải tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên mà họ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc hoặc các lĩnh vực mà họ có thể cạnh tranh thực tế. Đồng thời thúc đẩy tìm kiếm khách hàng và thị trường để hỗ trợ chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất trong nước thay vì chỉ dựa vào trợ cấp của chính phủ.
Thuế quan và các biện pháp hạn chế nhập khẩu gần đây của phương Tây hầu như không làm giảm đi sự thống trị của Bắc Kinh trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch. Đơn giản là Trung Quốc hiện đã đi quá xa trong lĩnh vực này.
Trung Quốc sản xuất gần 70% than chì cho pin của thế giới, xử lý hơn 90% mangan cho pin, sản xuất hầu hết polysilicon cho pin mặt trời của thế giới và sản xuất gần 90% nam châm đất hiếm vĩnh cửu trên thế giới. Vật liệu chính được sử dụng trong pin xe điện tính theo thể tích là than chì – và hơn 90% than chì dùng trong pin được sản xuất tại Trung Quốc.
Trung Quốc tin rằng sự thống trị của họ cho phép họ ngăn được sự cạnh tranh của phương Tây. Năm 2023, Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đối với một số khoáng sản cần thiết cho ngành công nghiệp năng lượng sạch, bao gồm gali, germani và than chì; đồng thời xây dựng năng lực và đầu tư đáng kể vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch, đủ để cung cấp pin và tấm pin mặt trời cho toàn thế giới trong một thập kỷ.
Công suất dư thừa đó sẽ gây thêm áp lực lên giá cả, khiến các công ty phương Tây càng khó cạnh tranh hơn và làm tăng áp lực buộc các công ty Trung Quốc phải đầu tư ra nước ngoài và tìm kiếm thị trường mới bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt của các nước phương Tây.
Để đạt được mục tiêu về khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng phương Tây vẫn cần Trung Quốc. Do đó, các chính phủ phương Tây cần tăng đầu tư khả thi vào sản xuất năng lượng sạch được thị trường và khách hàng hỗ trợ bên cạnh việc xây dựng chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc sẽ làm gì để vực dậy kinh tế trong năm 2024?
04:00, 31/12/2023
Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc: "Gió khó đảo chiều"
03:00, 31/12/2023
Điều gì thúc đẩy Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng?
03:30, 29/12/2023
Kinh tế - “át chủ bài” giúp giành ghế Tổng thống Mỹ
04:30, 28/12/2023
Kinh tế Mỹ sắp “hạ cánh mềm”?
05:00, 25/12/2023