Chiến lược quảng cáo bằng chính nhân viên
Để quảng bá thương hiệu rộng rãi, 30Shine đang ưu tiên tuyển nhân viên cắt tóc, gội đầu biết làm nội dung TikTok.
>>Đột nhập “vũ trụ giải trí” được dàn hot tiktoker “săn lùng”
Gần đây chuỗi salon tóc nam, 30Shine đang thu hút được nhiều sự chú ý bởi dàn “Hot” TikToker của mình. Được biết, chuỗi salon này liên tục tuyển dụng các nhân sự cắt tóc gội đầu, kỹ thuật viên spa có thêm khả năng sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để làm TikToker quảng bá thương hiệu.
Các nhân viên này ngoài việc thực hiện các công việc chuyên môn chính trong tiệm, thì còn phải tự lên nội dung, quay dựng video và đăng tải trên các kênh TikTok để xây dựng thương hiệu cá nhân và tiếp thị cho công ty. Chủ yếu các nội dung sẽ xoay quanh những chủ đề liên quan tới 30Shine để quảng bá cho thương hiệu này.
Các video từ nhân viên sáng tạo đang thành công giúp 30Shine thu hút hàng triệu lượt xem, lượt thích. Nhiều nhân sự của 30Shine đã tạo được sức ảnh hưởng trên TikTok như: Phan Mun với 1,3 triệu người theo dõi, Ngọc Phương với 1,5 triệu lượt hay Quyên với 735.000 người theo dõi. 30Shine đã có hơn 500 kênh TikTok, với gần 100 cơ sở làm tóc trên cả nước cùng 2.700 nhân viên.
Ông Hùng Bùi - Giám đốc Tiếp thị của 30Shine, cho biết việc biến nhân sự chuyên môn của mình thành “hot TikToker” có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí truyền thông, marketing. Thay vì phải tuyển một đoàn đội hùng hậu marketing quay dựng, thì nay các nhân viên của công ty đều có thể tự làm quảng cáo. Thời gian qua, ông và các cộng sự đã đẩy mạnh chiến lược này và đạt kết quả khả quan, giúp tăng nhận diện thương hiệu cho 30Shine.
Ý tưởng không mới
Trước 30Shine, Hoàng Hà Mobile có thể coi là một trường hợp thành công khi dùng chính nhân viên của mình để làm nội dung tiếp thị.
Kênh TikTok Hoàng Hà Angels với gần 350.000 lượt theo dõi và khoảng 11 triệu lượt like đã giúp thương hiệu này lan tỏa tên tuổi, tiếp cận nhiều hơn với khách hàng. Giống như 30Shine, Hoàng Hà Mobile cũng sử dụng chính những nhân viên của mình để làm nội dung quảng cáo tiếp thị, đưa ra tính năng một cách hài hước, lồng ghép ưu đãi vào các video ngắn trên TikTok. Những chuỗi video ngắn với nội dung đa dạng từ những diễn viên không chuyên của Hoàng Hà đã thành công chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng.
Hay như Video Tết không nhạc Tết của Coteccons - Chuyện người đi xây, cũng thành công gây được ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Thay vì làm một video Tết chỉn chu, thuê diễn viên, đầu tư bối cảnh, Coteccons lại lựa chọn việc ghi lại những thước phim chân thực nhất của 12.000 người công nhân thật ở công ty. Video là câu chuyện thật về những ngày mưu sinh vất vả nặng nhọc của họ, thậm chí sát Tết vẫn còn miệt mài cố gắng dành dụm từng chút một, mong lo được cho gia đình một năm mới ấm no. Việc sử dụng chính những công nhân đang làm việc ở công trường của công ty, đã khiến cho hiệu quả lan truyền của video Tết này trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Sau khi ra mắt Coteccons đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các đối tác khách hàng quyên góp để giúp đỡ những người công nhân khó khăn đón Tết.
Lợi và hại
Theo Khảo sát CMO B2B của Oktopost vào năm 2021, gần một nửa số CMO - Giám đốc tiếp thị cho biết rằng vận động nhân viên quảng cáo về thương hiệu của công ty lên mạng xã hội sẽ mang lại hiệu quả tốt. Ngoài ra, việc này có thể làm tăng mức độ tương tác xã hội cho một thương hiệu lên tối thiểu từ 25% đến 40%.
Không chỉ thế, khi dùng chính nhân viên đang làm việc để quảng cáo còn làm tăng tính xác thực cho thương hiệu. Khách hàng thấy được những trải nghiệm người thật, việc thật của chính những nhân viên ở công ty, họ sẽ thêm tin tưởng hơn về thương hiệu. Và khi nhân viên trở thành những gương mặt thân thuộc, đồng nghĩa với việc khách hàng trải nghiệm dịch vụ sẽ có cơ hội gặp gỡ và giao tiếp trực tiếp, giúp tăng cảm giác tin cậy và gần gũi của thương hiệu thông qua chính đội ngũ nhân viên.
Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng áp dụng phương pháp quảng cáo dùng người thật việc thật này. Đơn cử như Starbucks, sau khi nhân viên cùng nhau chia sẻ các loại đồ uống yêu thích, thương hiệu cũng nhận về nhiều sự quan tâm với hơn 5 triệu lượt xem chiến dịch trên TikTok.
Tuy vậy, những nhân viên chuyên môn vốn không sinh ra để làm quảng cáo, và quỹ thời gian của mỗi người thì có hạn. Bởi vậy, sẽ rất khó khăn nếu như một thợ cắt tóc vừa phải cắt tóc giỏi vừa phải làm TikToker. Đa số mọi người chỉ làm tốt được một việc.
Thêm vào đó, tính chân thật của cách làm tiếp thị này cũng đang manh nha bị mất đi. Một số thương hiệu bắt đầu tạo ra sự chân thật giả tạo. Thay vì dùng người thật việc thật để quảng cáo, họ thuê người biết diễn đóng giả làm nhân viên thật, khách hàng thật. Có những vị trí tuyển dụng như vậy được trả thù lao tới 1700 bảng Anh. Điều này khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào tính “thật” của các câu chuyện.
Giám đốc tiếp thị của 30Shine cũng thừa nhận, để áp dụng thành công chiến lược biến nhân viên thành hot TikToker này không dễ dàng, cấp lãnh đạo phải có kế hoạch, yêu cầu và chiến lược cụ thể, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng.
Có thể bạn quan tâm