Trung Quốc có thể học được gì từ nền kinh tế Nga?
Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc cần nhìn sâu hơn vào bức tranh kinh tế Nga để có những chính sách phát triển kinh tế phù hợp cho năm 2024.
>> Điều gì thúc đẩy Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng?
Năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có một năm bội thu sau khi công việc kinh doanh của họ có sự thuận lợi đáng kể tại thị trường Nga. Từ máy móc và ô tô, đến thiết bị y tế và đồ gia dụng, các sản phẩm của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường rộng lớn phía bắc, lấp đầy khoảng trống mà các công ty phương Tây đã rút lui sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2 năm 2022.
Đại diện 1 doanh nghiệp tại Trung Quốc trao đổi với SCMP rằng: "Hai năm trước, chúng tôi lo ngại về thiệt hại to lớn có thể xảy ra đối với nền kinh tế Nga, nhưng hóa ra cho đến nay, Nga vẫn đang đứng vững".
Gần hai năm tham chiến ở Ukraine, Nga dường như đã bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây vốn có thể bóp nghẹt nền kinh tế của nước này. Nền kinh tế Nga đã trải qua một cuộc suy thoái nhẹ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 2,1% vào năm 2022, nhưng vẫn tốt hơn đáng kể so với mức giảm được dự đoán là từ 10 đến 15% kể khi bắt đầu chiến sự Nga - Ukraine.
Moscow cho biết nền kinh tế của họ đã tăng 5,5% trong quý 3 năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái và Nga dự kiến đạt mức tăng trưởng cả năm là 3,5%. Ủy ban Châu Âu nhận định nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay và năm 2025.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch ở Phần Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là 4 khách hàng mua than nhiều nhất của Nga tính đến tháng 11/2023 kể từ khi EU áp đặt lệnh trừng phạt với Nga vào năm 2022.
Các dữ liệu cũng cho thấy Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) là những khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Nga, trong khi EU cũng dẫn đầu trong việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhưng bất chấp sự tăng trưởng kinh tế được mong đợi, những cơn gió ngược dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra với kinh tế Nga. Thống đốc ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã cảnh báo rằng Nga phải chuẩn bị cho nhiều lệnh trừng phạt hơn từ phương Tây.
Nga cũng vẫn đang phải đối mặt với tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài, lạm phát cao và lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp. Các chuyên gia nhận định, bất chấp nhiều khác biệt giữa hai nền kinh tế, các dữ liệu kinh tế của Nga kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu có thể đưa ra một số gợi ý cho Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc cũng đang tìm cách đạt được sự cân bằng giữa nỗ lực tự chủ và tăng cường hội nhập với thị trường toàn cầu. Theo Oleg Deripaska, nhà sáng lập công ty sản xuất nhôm Rusal, kinh nghiệm của Nga có thể mang đến cho Trung Quốc lời nhắc nhở về việc đa dạng hóa thương mại để nền kinh tế trong nước trở nên kiên cường hơn nhằm bảo vệ các cơ hội hợp tác và chống lại các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra.
"Các nhà sản xuất Trung Quốc nên cố gắng mở rộng thị trường nội địa càng nhanh càng tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và các công nghệ cao cấp khác, vì điều này sẽ cần nhiều thời gian hơn", ông Deripaska nói.
Ông Deripaska cũng lưu ý thêm: "Nếu có điều gì mà Trung Quốc có thể rút ra từ Nga, thì đó là cần phải giữ các công ty hàng đầu và các bộ phận quan trọng của chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong trường hợp xấu nhất là một cuộc xung đột nổ ra”.
>> “Hé lộ” bí mật tăng trưởng kinh tế Nga
Việc thoát khỏi các biện pháp trừng phạt chỉ có thể đạt được khi khối lượng thương mại từ các thị trường mới và các ngành công nghiệp mới gia tăng, cũng như có sự hỗ trợ từ các đối tác giàu tài nguyên, một bài học mà nhiều doanh nghiệp nhìn thấy ở Nga.
Nga giàu tài nguyên về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá, kim loại và gỗ, đồng thời là nhà cung cấp chính các sản phẩm cây trồng và phân bón, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu mọi thứ từ thiết bị sản xuất đến hàng tiêu dùng.
Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và năng lượng ở nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nước này đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng do những phức tạp về địa chính trị và việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu do phương Tây dẫn đầu.
Bắc Kinh từ lâu đã đặt mục tiêu đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng và tài nguyên, đồng thời tăng cường khả năng tự lực bằng cách mở rộng thăm dò và khai thác kim loại quý và tài nguyên biển trong nước, cũng như thông qua chuyển đổi năng lượng xanh.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu mở rộng tiềm năng của một thị trường nội địa rộng lớn và kiên cường, được hỗ trợ bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển với ít nhất 400 triệu người, như một trụ cột chính cho chiến lược tuần hoàn kép của nước này.
Chiến lược này tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, đồng thời ít phụ thuộc hơn vào chiến lược phát triển theo định hướng xuất khẩu nhưng không từ bỏ hoàn toàn. Bắc Kinh cũng đang đặt mục tiêu hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu, đặc biệt tập trung vào các quy định, tiêu chuẩn công nghiệp và các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
BÀ Anna Kireeva, Phó giáo sư nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, cho biết Nga cũng đã cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và tìm kiếm các nguồn thay thế cho nhập khẩu cũng như xuất khẩu.
"Sự đa dạng hóa như vậy có thể sẽ duy trì ít nhất là trong trung hạn và nhiều khả năng là trong dài hạn. Tuy nhiên, Nga vẫn phải đối mặt với những thách thức như xây dựng, nâng cấp năng lực sản xuất, công nghệ của mình trong khuôn khổ chính sách thay thế nhập khẩu hay xây dựng cơ sở hạ tầng mới để mở rộng năng lực xuất khẩu nhằm tránh sự dồn ứ ở Viễn Đông”, bà nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Tìm cách "thoát" Trung Quốc, phương Tây bị đẩy vào thế khó
03:23, 03/01/2024
Trung Quốc sẽ làm gì để vực dậy kinh tế trong năm 2024?
04:00, 31/12/2023
Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc: "Gió khó đảo chiều"
03:00, 31/12/2023
Trung Quốc muốn đẩy mạnh Nhân dân tệ vào các thị trường mới nổi
05:05, 30/12/2023
Điều gì thúc đẩy Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng?
03:30, 29/12/2023