Châu Á "loay hoay" tìm cách phi đô la hóa
Với 3/4 giao dịch thương mại, hay 60% tài sản được giữ bằng đô la Mỹ, triển vọng để Châu Á phi đô la hóa vẫn còn mong manh trong tương lai gần nếu không có các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng giá kéo dài suốt ba năm qua, áp lực lạm phát và dòng vốn chảy ra khỏi châu Á đã ngày càng căng thẳng, khiến nhiều nhà lãnh đạo đang sốt sắng hơn trong việc tìm hướng giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
>>FED đã thực sự "chiến thắng" lạm phát?
Nỗi lo lệ thuộc vào USD
Mới đây, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói: “Malaysia có tăng trưởng tốt, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát thấp và các khoản đầu tư đang đổ vào. Vậy tại sao đồng ringgit lại giảm giá?". Ông nói thẳng: “Lý do là FED”
Theo nghiên cứu do FED công bố, khoảng 3/4 thương mại châu Á, ngay cả trong khu vực, được giao dịch bằng đồng đô la Mỹ. Khoảng trên dưới 60% dự trữ của các ngân hàng trung ương, tài sản của quỹ đầu tư và tài sản tư nhân, được cho là giữ bằng đồng đô la Mỹ.
Do sự liên kết chặt chẽ đó, những thay đổi về giá trị của đồng đô la Mỹ hoặc lãi suất tính theo đồng đô la Mỹ có thể nói sẽ quyết định mức độ giàu nghèo của các nước Á Châu.
Theo ông Satyajit Das, cựu nhân viên ngân hàng, là tác giả của 2 cuốn sách kinh tế, nhiều quốc gia đang nhận thấy sự cần thiết phải giảm bớt lệ thuộc vào USD. Tuy nhiên, quá trình phi đô la hóa khó có thể tiến xa trong thời gian tới.
Theo ông Das, điều này có thể được giải thích một phần bởi cái mà các nhà kinh tế gọi là “bộ ba bất khả thi Mundell-Fleming”. Mô hình này cho rằng các quốc gia phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc 3 yếu tố - duy trì chính sách tiền tệ tự chủ, cho phép dòng vốn tự do di chuyển và có tỷ giá hối đoái cố định - trong đó chỉ có hai trong số ba yếu tố có thể đạt được đồng thời.
Đó là chưa kể tới một số điều kiện khác như thị trường vốn phát triển và thanh khoản tốt, chất lượng tín dụng cao, cơ chế thanh toán bù trừ, lưu ký và chuyển nhượng phù hợp, quản trị mạnh mẽ, khả năng thực thi pháp lý của các thỏa thuận và sự chấp nhận phổ quát.
Xét như vậy, tất cả các đồng tiền tiềm năng nhất đe dọa vị thế của USD, như Nhân dân Tệ (NDT) hay EUR, đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn. Ông Das khẳng định: “Kết quả là không có sự kế thừa rõ ràng nào cho đồng đô la Mỹ”.
Châu Á khó tìm giải pháp
Để phi đô la hóa, một khả năng trong tương lai là xây dựng một đồng tiền chung châu Á, giống như đồng euro. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã bộc lộ những sai sót cố hữu của phương án này. Điều đó có thể tồi tệ hơn ở châu Á - nơi các quốc gia có nền kinh tế và văn hóa rất khác nhau. Thậm chí, việc chấp nhận sự hội nhập chính trị và tài chính cần thiết cũng sẽ cực kỳ khó khăn.
>>Phong trào phi đô la hóa (Kỳ III): Ứng phó của Việt Nam
Bình luận về việc quy định thương mại xuyên biên giới bằng nội tệ như Trung Quốc đang làm, nhiều chuyên gia cho rằng điều này cũng rất khó thực hiện sâu rộng.
Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu mỗi bên sẽ ưa chuộng đồng tiền của mình và dẫn đến căng thẳng. Ví dụ, Ấn Độ nhập khẩu nhiều hơn khi giao thương với Trung Quốc. Nếu giao dịch của họ được tính bằng đồng rupee, điều này sẽ khiến Trung Quốc có lượng tiền dư thừa của Ấn Độ mà nước này sẽ phải tìm cách giải quyết.
Ngược lại, nếu thương mại được thực hiện bằng NDT, Ấn Độ sẽ phải bù đắp cho khoản thâm hụt phát sinh. Quyền tiếp cận vào các khoản đầu tư và tài trợ bằng các loại tiền tệ khác sẽ bị cản trở hoặc gia tăng chi phí.
Việc giảm sự phụ thuộc vào USD sẽ đòi hỏi phải xem xét lại nền kinh tế cơ bản của châu Á. Hướng đi bền vững nhất là phải giảm xuất nhập khẩu với Mỹ, theo ông Satyajit Das.
Khó khăn trong phi đô la hóa của châu Á bắt nguồn từ mô hình phát triển dựa vào tiết kiệm nhiều, xuất khẩu cao và đồng tiền bị định giá thấp. Thặng dư thương mại có được từ thị trường Hoa Kỳ lại được các quốc gia châu Á đầu tư vào tài sản của Mỹ.
Bởi vậy, các nước châu Á sẽ phải tìm cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước làm động lực tăng trưởng. Điều đó cũng đồng nghĩa phải giảm mức tiết kiệm của quốc gia. Tính tiết kiệm của người châu Á một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chăm sóc người già, do đó các chính phủ nên ưu tiên cải thiện các mặt này, ông Das chỉ ra.
Các bước thiết yếu khác hướng tới một mô hình kinh tế mới sẽ bao gồm củng cố các thể chế tài chính và cơ sở hạ tầng thị trường cũng như cải thiện các quy định và quản trị.
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Trung Đông phủ "bóng đen" hành lang kinh tế Ấn Độ - châu Âu
03:30, 01/01/2024
Tốc độ số hóa nhanh khiến châu Á dễ bị tổn thương hơn?
03:00, 04/01/2024
Hàng không châu Á - Thái Bình Dương "chật vật" phục hồi
03:00, 25/12/2023
FED tiết lộ câu trả lời cho định hướng chính sách tiền tệ
04:30, 15/12/2023
Trung Quốc "mạnh tay" hoán đổi tiền tệ, USD chịu sức ép
02:00, 17/12/2023