Việc Trung Quốc đạt thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều quốc gia, mới đây nhất là thỏa thuận với Saudi Arabia và Argentina trị giá gần 14 tỷ USD, sẽ tạo thêm sức ép phi đô la hóa trên toàn cầu.
>> Phong trào phi đô la hóa (Kỳ I): “Cú sốc” với USD
DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Thao (Tony Nguyen), Giảng viên ĐH Edith Cowan (Australia), Nghiên cứu viên Trung tâm CSTRAD tại ĐH Thương mại, Chuyên gia Tài chính-Ngân hàng của AVSE Global, về vấn đề này.
- Theo ông, điều gì khiến Trung Quốc đẩy mạnh các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Saudi Arabia và Argentina trong thời gian vừa qua?
Chiến lược phi đô la hóa của Trung Quốc nằm trong tham vọng cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế và chính trị với Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Nước Mỹ lâu nay duy trì được sức mạnh như vậy nhờ USD. Bởi vậy, các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới đây tiếp tục là một nỗ lực của Trung Quốc muốn nâng cao sức hấp dẫn của đồng Nhân dân Tệ (NDT) như một loại tiền tệ thay thế trong thương mại và dự trữ quốc tế.
Tuy nhiên, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối và thanh toán quốc tế vẫn chiếm phần lớn. Do đó, Trung Quốc sẽ mất rất nhiều thời gian để NDT có thể cạnh tranh với USD. Đồng thời, Trung Quốc cũng muốn thúc đẩy các thỏa thuận mới bởi giá trị đồng USD đã tăng đáng kể trong năm qua. Cụ thể, đồng NDT đã mất giá hơn 5% so với đồng USD. Nếu Trung Quốc không có những hành động cụ thể để tăng giá trị và tác động ảnh hưởng của đồng NDT, có thể dẫn đến hậu quả các quốc gia trên thế giới có xu hướng dự trữ USD nhiều hơn.
Dù vậy, xu hướng chung vẫn là ngày càng nhiều quốc gia bán phá giá tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, tăng dự trữ vàng và giải quyết thương mại song phương bằng đồng nội tệ. Điều này bắt nguồn từ lo ngại của các nước về việc đồng USD bị “vũ khí hóa” như trường hợp của Nga trong năm ngoái, hay những bất lợi khi phải lệ thuộc vào đồng USD của nhiều nền kinh tế trong hàng thập kỷ qua. Bởi vậy, nhu cầu đa dạng hóa ngoại tệ bằng đồng NDT sẽ là một trong các phương án được nhiều quốc gia xem xét.
- Các thỏa thuận mới của Trung Quốc có ý nghĩa gì với hệ thống tài chính quốc tế, thưa ông?
Hợp đồng hoán đổi tiền tệ với Saudi Arabia thực ra là một thỏa thuận “cùng thắng” giữa hai quốc gia. Trung Quốc năm ngoái nhập khẩu lượng dầu mỏ trị giá khoảng 65 tỷ USD từ Saudi Arabia, chiếm 83% kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước. Do đó, nếu sử dụng đồng NDT để thanh toán song phương, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian.
Tuy nhiên, tác động của động thái nói trên của Trung Quốc tới hệ thống tài chính toàn cầu vẫn tương đối ít, khi USD vẫn được sử dụng trong khoảng 90% giao dịch ngoại hối trên toàn thế giới.
Bởi vậy, các hợp tác mới có nhiều ý nghĩa về mặt chính trị hơn. Bởi Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, nên thỏa thuận với Trung Quốc có thể giúp các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác tiếp bước Saudi Arabia. Điều đó sẽ rất có lợi cho Trung Quốc về mặt ảnh hưởng cũng như làm giảm tỉ trọng của đồng USD trong giao thương dầu mỏ - hay nói cách khác nhắm vào “petrodollar”.
Với Argentina, thỏa thuận hoán đổi trị giá 130 tỷ NDT trong tháng 8 vừa qua thực chất có ý nghĩa hỗ trợ nhiều hơn. Bởi Argentina là quốc gia thường xuyên vỡ nợ, hiện cũng đang chịu lạm phát cao, khiến họ thường xuyên gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ quốc tế. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc sẽ giúp Argentina tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại quốc gia Nam Mỹ này.
>> Phong trào phi đô la hóa (Kỳ II): Đồng USD sẽ ra sao?
- Động thái mới này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ra sao tới vị thế của USD và nền kinh tế Mỹ, thưa ông?
Khi Trung Quốc tăng cường hoán đổi tiền tệ, điều đó có nghĩa sẽ có thêm nhiều quốc gia có thể giao dịch trực tiếp bằng NDT, mà không cần USD. Điều này có khả năng làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với USD. Do đó, USD có thể phải đối mặt với tình trạng mất giá.
Nếu xu hướng này gia tăng, có thể làm suy yếu các công cụ trừng phạt dựa trên vị thế USD của Mỹ, như đã làm với Nga. Nhờ đồng NDT, nền kinh tế Nga đã tránh khỏi việc bị “sụp đổ”, thậm chí thương mại với Trung Quốc còn tăng trưởng mạnh. Hiện khoảng 95% giao dịch giữa Nga và Trung Quốc là bằng đồng Rúp hoặc NDT. Như vậy, rõ ràng đồng NDT đã cung cấp một giải pháp cho các nước nhằm tránh sự lệ thuộc vào USD.
Mặt khác, khả năng đồng USD mất giá có thể đem lại những tác động khác nhau tới nền kinh tế Mỹ. Theo đó, có thể thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm cho hàng hóa Mỹ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nó cũng khiến giá nhập khẩu cao hơn, có khả năng góp phần tăng lạm phát.
- Việt Nam nên làm gì trước động thái gia tăng hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc, thưa ông?
Hiện nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc muốn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra trong tương lai thì Việt Nam cần xem xét cả lợi ích và tác động tiêu cực.
Lợi ích đầu tiên là Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào USD trong các giao dịch thương mại, giúp thương mại song phương hiệu quả hơn, hay tăng tính cạnh tranh của nước ta tại thị trường Trung Quốc nhờ khả năng đơn giản hóa và giảm chi phí giao dịch. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các dự trữ ngoại hối sẽ giúp nước ta tăng cường khả năng ổn định tài chính trước những bất ổn của thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, về rủi ro, cần xem xét vấn đề tỷ giá. Việc phụ thuộc quá nhiều vào NDT có thể khiến Việt Nam gặp rủi ro một khi giá trị đồng tiền này dao động đáng kể, gây ảnh hưởng đến chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, điều này dễ dẫn tới sự phụ thuộc kinh tế lớn hơn vào Trung Quốc.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Phong trào phi đô la hóa (Kỳ III): Ứng phó của Việt Nam
11:30, 03/07/2023
"Hé lộ" kết cục bi thảm của làn sóng phi đô la hoá
04:30, 02/07/2023
Dầu mỏ đang lật đổ "đế chế" Petrodollars
04:30, 13/04/2023
Nga- Trung "liên thủ" thách thức Petrodollars
02:30, 25/09/2022
Liên minh tài chính Nga - Trung: Thách thức “petrodollar”
05:28, 21/12/2021