Nga không phải là nền kinh tế lớn duy nhất sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc để thanh toán thương mại, mà nhiều quốc gia khác cũng có động thái tương tự.
>> Trung Quốc muốn đẩy mạnh Nhân dân tệ vào các thị trường mới nổi
Nga thúc đẩy giao thương bằng Nhân dân tệ
Nga ngày càng dẫn đầu về việc sử dụng đồng nhân dân tệ. Sau khi gánh chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga ngày càng sử dụng đồng nhân dân tệ trong ngoại thương quốc tế. Theo dữ liệu gần đây nhất từ ngân hàng trung ương Nga, đồng Nhân dân tệ được sử dụng thanh toán 34% hàng nhập khẩu và 25% hàng xuất khẩu của Nga tính đến tháng 7/2023.
Tuy nhiên, sự thâm nhập của đồng nhân dân tệ vào Nga vượt xa khả năng thanh toán thương mại. Nga hiện là trung tâm thanh toán bù trừ lớn thứ ba cho các giao dịch bằng nhân dân tệ ở nước ngoài. Đồng nhân dân tệ đã trở thành loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Moscow. Đồng nhân dân tệ hiện có vị trí nổi bật hơn trong quỹ đầu tư quốc gia của Nga sau khi tái cơ cấu vào cuối năm 2022 nhằm mục đích giảm sự tiếp xúc của Nga với đồng tiền của các quốc gia được gọi là không thân thiện (những quốc gia ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Nga).
Trong khi đó, một số tập đoàn lớn của Nga đã phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trong hai năm qua, một động thái nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của đồng tiền này ngoài thương mại. Tập đoàn nhôm khổng lồ RUSAL là công ty đầu tiên sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán, tiếp theo là công ty dầu mỏ Rosneft và công ty khai thác vàng Polyus.
Argentina hoãn thỏa thuận
Trung Quốc và Argentina đã mở một đường dây hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 11 tỷ USD vào năm 2014. Điều này cho phép hai nước trao đổi tiền tệ với lãi suất và tỷ giá hối đoái định trước. Vào tháng 4/2023, Argentina đã thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng nhân dân tệ, với tổng trị giá khoảng 1,04 tỷ USD. Đối với Argentina, quốc gia có dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt và lịch sử vỡ nợ khiến các nhà đầu tư e ngại khi cho vay. Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn bằng đồng nhân dân tệ đôi khi là một phao cứu sinh quan trọng.
Argentina cũng đã sử dụng đồng nhân dân tệ để trả nợ cho IMF. Đây là lần đầu tiên một quốc gia Nam Mỹ sử dụng đồng tiền của Trung Quốc để giải quyết các nghĩa vụ nợ và là một cột mốc quan trọng có thể mở ra cơ hội sử dụng đồng nhân dân tệ rộng rãi hơn ngoài thanh toán thương mại.
Tuy nhiên, bất chấp vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế Argentina, Tổng thống mới nhậm chức Javier Milei đã tìm cách tránh xa Trung Quốc, tuyên bố sẽ giữ khoảng cách với Trung Quốc. Do đó, vào ngày 21 tháng 12 năm 2023, Trung Quốc đã rút lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho đến khi ông Milei thể hiện cam kết hợp tác mang tính xây dựng với Bắc Kinh, theo truyền thông Argentina. Tuy nhiên, Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Argentina từ chối xác nhận thông tin này.
Saudi Arabia “bắt tay” Trung Quốc
Trong số rất nhiều thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mà Trung Quốc đã mở với các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới trong thập kỷ qua, có thể thấy rằng không có thỏa thuận nào gây được tiếng vang lớn như thỏa thuận đã đạt được với Saudi Arabia vào tháng 11/2023. Thỏa thuận này trị giá 50 tỷ nhân dân tệ (6,98 tỷ USD). Mặc dù tổng số tiền này không lớn so với khối lượng thương mại giữa hai nước, nhưng động thái này mang tính biểu tượng cao vì vai trò quan trọng của Saudi Arabia trong quá trình hình thành hệ thống thanh toán dầu mỏ mới, tương tự như hệ thống petrodollar.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia vào năm 2011, trao đổi hàng hóa trị giá hơn 64 tỷ USD trong năm đó. Kim ngạch của các quốc gia này sau đó đã vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2022. Saudi Arabia đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc vào năm 2020, mặc dù vào năm 2023, Nga đã vượt qua Vương quốc này. Đối với Saudi Arabia, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là cơ hội để đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này. Là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Saudi Arabia từ lâu đã coi đồng đô la Mỹ là nguồn tiền tệ chính cho các giao dịch dầu mỏ.
>> Đồng Nhân dân tệ có thể tìm lại sức mạnh khi Mỹ tạm dừng tăng lãi suất?
Brazil kết nối với Trung Quốc
Vào tháng 2 năm 2023, Brazil và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thiết lập các thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ ở Brazil, từ đó mở đường cho đồng tiền Trung Quốc được sử dụng trong các hoạt động thanh toán. Ngay sau đó, Brazil cũng được cấp quyền kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc.
Vào tháng 4/2023, Trung Quốc và Brazil đã đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, loại bỏ hoàn toàn đồng USD trong thanh toán. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào tháng đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã chỉ trích vai trò thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu: “Tại sao mọi quốc gia lại phải gắn liền với đồng USD trong thương mại?... Ai quyết định đồng USD sẽ là tiền tệ của thế giới?”
Mặc dù hơn 90% thương mại nước ngoài của Brazil tiếp tục được thực hiện bằng đồng USD, nhưng tỷ trọng của các loại tiền tệ khác đang tăng lên. Trong khi đó, tài sản ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ của Brazil đạt mức cao 5,37% tổng tài sản vào cuối năm 2022, vượt qua đồng euro để trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ hai.
Iran tìm cách thay thế USD
Giống như Nga, Iran về cơ bản đã bị loại khỏi hệ thống tài chính phương Tây và từ lâu đã tìm kiếm các giải pháp thay thế. Trung Quốc bắt đầu mua một số dầu từ Iran bằng cách thanh toán bằng đồng nhân dân tệ vào năm 2012 và hai nước đã thảo luận về việc thúc đẩy thanh toán thương mại bằng nội tệ. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Kinh tế Iran Ehsan Khandouzi đã thừa nhận, vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo thuận lợi cho việc sử dụng đồng tiền Trung Quốc. Trong khi đó, vào năm 2018, trong một động thái có thể mang nhiều giá trị biểu tượng hơn, Iran đã thay thế đồng USD bằng đồng nhân dân tệ trên nền tảng báo cáo tỷ giá chính thức của mình.
Động lực cho đồng nhân dân tệ
Một trong những chất xúc tác chính đằng sau quá trình quốc tế hóa nhanh chóng của đồng nhân dân tệ là bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Trong những năm gần đây, căng thẳng địa chính trị gia tăng, buộc các quốc gia và doanh nghiệp phải đa dạng hóa việc nắm giữ và giao dịch tiền tệ.
Những yếu tố như sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), thí điểm đồng nhân dân tệ kĩ thuật số, cùng với đó là những cơ hội do thị trường Trung Quốc đem lại… là nguyên nhân then chốt dẫn tới sự phổ biến của đồng tiền này. Trong năm 2024, những động lực trên sẽ ngày càng được thúc đẩy, giúp đồng nhân dân tệ ngày càng có vị thế cao hơn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc sẽ còn phải mất rất nhiều năm nữa thì mới đưa đồng nhân tệ cạnh tranh với USD. Bởi tính đến tháng 7/2023, lượng giao dịch bằng đồng USD qua hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT đạt kỷ lục mọi thời đại khi chiếm tới 46,5% tổng lượng giao dịch, tăng hơn 13 điểm phần trăm so với tháng 12/2012. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ - được xem là một trong những đối thủ của USD - cũng chỉ đạt 3% tổng lượng giao dịch.
Có thể bạn quan tâm
CNY "giảm sốc", Việt Nam cần giải pháp ứng phó
12:00, 28/08/2022
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc "cứu" CNY như thế nào?
11:30, 21/08/2018
Trung Quốc đẩy mạnh quốc tế hóa Nhân dân tệ với tâm lý thận trọng
05:05, 12/11/2023
Nhân dân tệ kỹ thuật số đã tiến bộ ra sao trong năm 2023?
05:00, 14/10/2023
Đối lập chính sách gây áp lực gia tăng lên đồng Nhân dân tệ
05:00, 22/06/2023
Liệu đồng đô la Mỹ có bị soán ngôi bởi Nhân dân tệ?
05:00, 26/05/2023
Rào cản hạn chế tiến trình quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ
04:01, 17/05/2023
Đồng Nhân dân tệ vẫn khó thâm nhập thương mại toàn cầu
04:42, 29/03/2023
Nhân dân tệ sụt giảm mạnh trước áp lực của đồng USD
16:45, 25/02/2023
Nhân dân tệ kỹ thuật số được đưa vào số liệu tiền mặt chính thức
16:00, 12/01/2023