Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bắt đầu đưa đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số vào tính toán lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho việc sử dụng đồng tiền này.
>>Nhân dân tệ kỹ thuật số ngày càng tiến xa?
Theo dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố ngày 10/1, quy mô của Thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số (e-CNY) là 13,61 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD) vào cuối tháng 12/2022. Sự tăng trưởng của M0, phần lớn là tiền mặt và dự trữ ngân hàng do ngân hàng trung ương nắm giữ đã tăng nhanh lên mức cao nhất trong 11 tháng là 15,3% vào tháng trước. Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số chiếm 0,13% M0 đang lưu hành và 0,005% M2.
Vì e-CNY không cung cấp các khoản thanh toán lãi, nên từ lâu nhiều người đã thảo luận về việc nó sẽ ảnh hưởng đến tiền mặt và tiền gửi vãng lai, cũng như chính sách tiền tệ. Đồng thời lo ngại liệu nó có thể định hình lại bối cảnh thanh toán trực tuyến vốn bị chi phối bởi Alipay và WeChat Pay hay không.
PBoC cho biết, 1,39 nghìn tỷ Nhân dân tệ (205 tỷ USD) đã được bơm vào thị trường nội địa vào năm ngoái, với việc bổ sung e-CNY thì không có tác động rõ ràng. Đến nay, Ngân hàng trung ương vẫn chưa xác nhận thời gian biểu chính thức cho việc ra mắt chính thức đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, mà chỉ xác nhận tại hội nghị kinh tế vào tháng 12/2022 rằng “việc thí điểm sẽ được thực hiện đều đặn”.
Chương trình thí điểm đang diễn ra đã được mở rộng ra 26 thành phố lớn và 5,6 triệu thương nhân, với giá trị giao dịch tích lũy là 100 tỷ nhân dân tệ (12,2 tỷ USD) vào cuối tháng 8 từ chi tiêu của người tiêu dùng, cho vay ngân hàng và thanh toán xuyên biên giới.
Chính quyền địa phương cũng đã tiếp tục cung cấp phiếu mua hàng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Tại thành phố Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang sẽ cung cấp phiếu mua hàng tiêu dùng trị giá 30 triệu nhân dân tệ trong tháng tới.
Các nhà quản lý nhấn mạnh, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số chủ yếu dành cho mục đích bán lẻ trong nước, còn các ứng dụng ở nước ngoài, bao gồm Dự án mBridge của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhằm mục đích cải thiện hiệu quả thanh toán xuyên biên giới. Đó là một cơ hội để mở rộng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Cũng trong ngày 10/1, PBoC đã khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp thêm tín dụng cho nền kinh tế thực, sau khi mở rộng khoản vay cao kỷ lục 21,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2022, trong bối cảnh các động thái áp dụng chính sách tiền tệ có mục tiêu và mạnh mẽ hơn trong năm mới.
Tiêu dùng được coi là chìa khóa cho sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc sau khi chính sách Zero Covid đột ngột kết thúc. Ông Diêu Dương, Hiệu trưởng trường Đại học Bắc Kinh đề xuất, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể được sử dụng để phân phối tiền cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
“Đây là cơ hội để mở rộng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và là một công cụ đáng chú ý để thực hiện mục tiêu “một mũi tên trúng nhiều đích". Nếu một người muốn nhận trợ cấp tiêu dùng của chính phủ thì cần tải xuống ứng dụng Nhân dân tệ kỹ thuật số”, ông nói.
>>Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cộng sinh với Alipay và WeChat Pay
Trong năm 2023, các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc cũng đặt mục tiêu giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn cho đất nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với People's Daily mới đây, Zhao Chenxin, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) bày tỏ, chính quyền sẽ điều chỉnh các chính sách tài khóa, tiền tệ, công nghiệp, công nghệ và xã hội để thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra sẽ hỗ trợ cho các lĩnh vực được quản lý chặt chẽ trước đây gồm các công ty bất động sản và Internet, như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng chi tiêu của người tiêu dùng.
“Nhu cầu tổng thể không đủ là yếu tố chính kìm hãm nền kinh tế. Chúng ta phải ưu tiên phục hồi và mở rộng tiêu dùng, đồng thời sử dụng đầu tư, ưu đãi của chính phủ để thúc đẩy đầu tư xã hội .
Chúng tôi cũng sẽ theo dõi hiệu quả kinh tế một cách kịp thời, cải thiện dự trữ chính sách và liên tục làm giàu hộp công cụ chính sách để đối phó với những cú sốc bất ngờ”, vị Phó chủ tịch nhấn mạnh.
Có thể thấy, các nền tảng Internet, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến dịch điều tiết của Chính phủ trong hai năm qua, cũng sẽ được khuyến khích cải thiện trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Theo đó, các lĩnh vực khác nằm trong danh sách hỗ trợ của chính phủ là nhà ở, phương tiện sử dụng năng lượng mới và chăm sóc người già.
Theo SCMP, chi tiêu tiêu dùng đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng kinh tế năm 2021 nhưng chỉ đóng góp 41,3% trong 3 quý đầu năm ngoái. Do đó, một số nhà kinh tế Trung Quốc đã kêu gọi sử dụng phiếu giảm giá quy mô lớn hoặc thậm chí trợ cấp tiền mặt để khuyến khích chi tiêu...
Có thể bạn quan tâm
05:53, 14/10/2022
12:30, 01/06/2022
05:15, 19/02/2022
05:00, 10/02/2022