Trung Quốc đang từng bước nâng cao vị thế quốc tế của đồng Nhân dân tệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nỗ lực của Trung Quốc trong việc biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền quốc tế, hoặc ít nhất là một đồng tiền khu vực, chỉ đạt được thành công hạn chế kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo các chuyên gia phân tích, những lo ngại về rủi ro tài chính cùng với việc tập trung duy trì sự ổn định của thị trường trong nước đã khiến Bắc Kinh không dám thực hiện những bước đi táo bạo hơn, chẳng hạn như cho phép đồng nhân dân tệ được chuyển đổi hoàn toàn nhằm thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn.
Khi Trung Quốc nhận thấy việc bán tháo đồng nhân dân tệ ở thị trường ngoài nước có thể gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền này, quốc gia này đã lựa chọn các biện pháp can thiệp vi mô để kiểm soát dòng chảy tiền tệ xuyên biên giới.
Mặt khác, đồng đô la Mỹ vẫn đảm nhận khá tốt vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế trong nhiều năm nay, bất chấp những lời phàn nàn liên tục từ nhiều quốc gia về “đặc quyền” của đồng USD.
Cụ thể, trong bài viết được đăng tải trên SCMP, ông Zhou Xin, biên tập viên công nghệ của tờ Post chỉ ra, Nhật Bản đã vui vẻ đầu tư dự trữ ngoại hối của mình vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi kể từ nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, khi chính quyền này đe dọa các đối tác thương mại bằng việc áp thêm thuế và gợi ý về một "Hiệp ước Mar-a-Lago" nhằm buộc các đối tác thương mại lớn phải chấp nhận sự mất giá của đồng đô la Mỹ.
Trong bối cảnh đó, ý tưởng cũ về việc thành lập một Quỹ Tiền tệ châu Á, như một giải pháp khu vực thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận được sự quan tâm trở lại, như một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Theo ông Zhou Xin, mong muốn của châu Á trong việc xây dựng một mạng lưới an ninh tài chính khu vực ít phụ thuộc hơn vào đồng đô la Mỹ đã thể hiện rõ tại cuộc họp thường niên trong tháng này giữa các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN, tổ chức tại Milan, Italia.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển bất kỳ cơ chế tiền tệ khu vực nào. Tại cuộc họp 10+3 ở Milan, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã chủ động hơn trong việc thúc đẩy Sáng kiến Chiang Mai, đồng thời ca ngợi việc đưa đồng nhân dân tệ vào cơ chế hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho châu Á là một “bước tiến có ý nghĩa trong việc đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế trong khu vực”.
Theo cơ chế này, bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khu vực nếu cần hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp đều có thể vay bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng đô la Mỹ. Việc các nước đồng ý đưa nhân dân tệ vào cơ chế gọi là “quỹ tài chính nhanh” đồng nghĩa với việc đồng tiền này đã nhận được sự công nhận trên thực tế từ các nước thành viên khác như một ứng cử viên cho vai trò đồng tiền dự trữ khu vực.
Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đối tác lớn khác trong khu vực cũng đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của một liên minh tài chính khu vực trong bối cảnh Mỹ không còn là đối tác hoàn toàn đáng tin cậy.
Hợp tác tiền tệ giữa Bắc Kinh, Tokyo và Seoul từ trước đến nay luôn là một hành trình nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những bất ổn do các chính sách thuế quan và kế hoạch tiền tệ dưới thời Tổng thống Trump đã khiến ba nước xích lại gần nhau một lần nữa.
Sự phối hợp ngày càng tăng trong khu vực diễn ra trong bối cảnh đồng nhân dân tệ đang dần mở rộng vai trò quốc tế của mình trên các mặt trận khác. Ví dụ, hệ thống thanh toán song phương bằng nhân dân tệ với nhiều quốc gia trong sáng kiến Vành đai và Con đường đang tiến triển ổn định.
Trong những năm trước, khi đồng đô la Mỹ mạnh, người nhận nhân dân tệ thường có xu hướng chuyển đổi ngay sang đô la Mỹ. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục suy yếu, xu hướng nắm giữ nhân dân tệ như một tài sản có thể tăng lên đáng kể.
Dù vậy, sẽ mất nhiều năm để đồng nhân dân tệ có thể trở thành một phương án thay thế khu vực cho đồng đô la Mỹ. Dù các chính phủ có thể tuyên bố rằng nhân dân tệ là “đồng tiền tự do chuyển đổi”, điều đó vẫn chưa đúng đối với các doanh nghiệp và cá nhân.