Xung đột Trung Đông phủ "bóng đen" hành lang kinh tế Ấn Độ - châu Âu

Diendandoanhnghiep.vn Tương lai của hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu trở nên bất định với xung đột hoành hành ở Trung Đông kéo theo sự vô vọng trong bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.

IMEC được kỳ vọng sẽ khơi thông kinh tế Ấn Độ - Trung Đông và Châu Âu

IMEC được kỳ vọng sẽ khơi thông kinh tế Ấn Độ - Trung Đông và Châu Âu

Được triển khai rầm rộ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi trong năm nay, Hành lang Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC) được coi sẽ là "đối thủ xứng tầm" của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden quảng bá đây sẽ là trụ cột chính trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Đông của nước Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von Der Leyen ca ngợi sáng kiến này mang tính lịch sử, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi coi IMEC là nền tảng của thương mại thế giới trong hàng trăm năm tới.

>> Điều gì có nguy cơ làm "lung lay" quan hệ Mỹ - Ấn Độ?

Khó khăn chồng chất

Thế nhưng, hy vọng về việc IMEC có thể hạn chế ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Bắc Kinh vẫn đang xa vời. Không chỉ là thách thức tài chính, mấu chốt lớn nhất hiện nay là cuộc xung đột Israel-Hamas đang cản trở sự phát triển của IMEC. 

Cũng bởi những cuộc tấn công chết chóc của Israel vào Gaza, triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel ngày càng mờ mịt. Nhiều chuyên gia đã đồng ý rằng, chừng nào số phận của Gaza vẫn chưa rõ ràng thì tương lai của IMEC cũng vậy.

Là mạng lưới đường sắt và hàng hải xuyên lục địa không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn cả năng lượng và dữ liệu thông qua đường ống và cáp, IMEC sẽ kết nối bờ biển Ấn Độ với các thị trường châu Âu. UAE, Saudi Arabia, Jordan và Israel là các trạm nghỉ khác ở Trung Đông trước khi vượt qua Địa Trung Hải để cập cảng Hy Lạp. Từ đây, hàng hóa có thể được chuyển tiếp đến Đức, Italy và Pháp – những bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ ở New Delhi.

Kế hoạch đầy tham vọng này đang bị xung đột giữa Israel và Hamas ngăn trở

Sáng kiến IMEC đầy tham vọng này đang bị xung đột giữa Israel và Hamas cản trở

Tuy nhiên, IMEC gặp nhiều thách thức về hậu cần và tài chính. Ví dụ, vẫn chưa rõ chính xác ai sẽ trả hàng chục tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có và lấp đầy những khoảng trống. Hành lang này cần hơn 2.000 km đường sắt và phần lớn số đó nằm trên địa hình đầy thách thức của Trung Đông.

Về các tuyến đường ống năng lượng, các chuyên gia cho rằng vẫn chưa có nghiên cứu khả thi nào được thực hiện để vận chuyển hydro sạch hoặc cáp kỹ thuật số tốc độ cao như đã cam kết. Chưa kể, cửa ngõ châu Âu của IMEC – cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp – lại có cổ đông lớn nhất là một công ty nhà nước của Trung Quốc.

Thách thức thứ ba gọi tên Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến đường vận chuyển từ Haifa (Israel) đến Hy Lạp đi qua vùng biển tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vốn không thuộc IMEC. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã cảnh báo: “Không có hành lang nào nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ”.

>> Kinh tế Ấn Độ năm 2023: Những điểm nổi bật

Trước những khó khăn đó, nhiều nhà phân tích cho rằng sáng kiến IMEC sẽ gặp nhiều thách thức như các sáng kiến trước đây của phương Tây nhằm cạnh tranh với BRI, như B3W của Mỹ.

Những tín hiệu lạc quan

Dù vậy, những người ủng hộ IMEC tin rằng sáng kiến này có thể khả thi bởi ý chí chính trị mạnh mẽ của Ấn Độ. New Delhi đang có tham vọng mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị quốc tế. Tuy nhiên, tuyến thương mại đường bộ hiện tại sang phương Tây đã bị chặn bởi Pakistan – một đối thủ truyền thống. Trong khi đó, Hành lang Thương mại Bắc-Nam Ấn Độ chạy qua Iran và kết thúc ở Nga, đang bị tê liệt vì các lệnh trừng phạt.

 

Ở Trung Đông, Saudi Arabia và UAE đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế khỏi nhiên liệu hóa thạch và cả hai nước đều coi IMEC là một công cụ để mở rộng hoạt động kinh tế. Riyadh đã cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào IMEC, phần lớn được cho sẽ phục vụ xây dựng mạng lưới đường sắt nội địa cần thiết. Mạng lưới đường sắt của UAE cũng nhận được cam kết mạnh mẽ tương tự, như nhà khoa học chính trị Abdulkhaleq Abdullah ở UAE nói “Chúng tôi đã sẵn sàng gần 90% cơ sở hạ tầng đường sắt”.

Chính quyền ông Joe Biden cũng quyết tâm tạo ra sự hội nhập kinh tế ở các khu vực khác nhau như một cách để ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc, như cách ông nhiệt tình hội nhập Israel vào khu vực trước cuộc tấn công của Hamas.

Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Modi cũng đã đến thăm Hy Lạp để cố gắng đảm bảo hỗ trợ cần thiết cho các cảng của họ. Vassilis Korkidis, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Piraeus, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm của Ấn Độ trong việc tiếp cận nhiều hơn với cảng Piraeus và đầu tư vào các cảng khác của Hy Lạp, nhằm tạo ra các cửa ngõ cho hàng xuất khẩu của nước này sang châu Âu thời gian tới”.

Trong số các bên ký kết, có vẻ như Liên minh châu Âu là bên miễn cưỡng nhất. Theo các nhà phân tích, EU không chỉ phải thận trọng khi thách thức Trung Quốc, mà còn phải đồng ý tham gia IMEC để xoa dịu nước Mỹ. Chưa kể, cuộc chiến ở Gaza cũng là nguyên nhân khiến châu Âu thiếu nhiệt tình.

Những điều này có nghĩa, tương lai của IMEC hiện phụ thuộc vào việc nối lại các cuộc đàm phán bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel. Và để có được điều này, hòa bình ở dải Gaza sẽ là mục tiêu đầu tiên cần đạt được.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Xung đột Trung Đông phủ "bóng đen" hành lang kinh tế Ấn Độ - châu Âu tại chuyên mục Quốc tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714324285 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714324285 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10