Quảng Trị: Ngóng chờ những “đại dự án” động lực

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 11/01/2024 16:12

Trong 5 năm trở lại đây, Quảng Trị liên tiếp đón “làn gió” đầu tư mới với rất nhiều “đại dự án” triệu đô hứa hẹn mang đến động lực phát triển cho năm 2024.

 Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận cho hai nhà đầu tư sân bay Quảng Trị

Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận cho hai nhà đầu tư sân bay Quảng Trị

Những dự án trăm triệu USD

Cảng nước sâu Mỹ Thủy với tổng đầu tư 14.234 tỷ đồng thuộc không gian kinh tế Đông Nam Quảng Trị động thổ lần đầu năm 2020 và “án binh bất động” đến nay. Do gặp nhiều khó khăn vướng mắc như chồng chéo quy hoạch dự trữ khoảng sản, quy hoạch ba loại rừng chồng lấn. Đặc biệt năng lực, kinh nghiệm và tài chính hạn chế, lại vấp phải khủng hoảng kinh tế.

Sau nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp tại địa phương, nhất là khâu gỡ vướng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Trung ương và giải phóng mặt bằng, kiểm kê tài sản, định giá đền bù, hình thành cơ sở hạ tầng tái định cư. Khu bến cảng Mỹ Thủy - dự án trọng điểm của tỉnh sẽ bắt đầu tái thi công trong tháng 2/2024.

Hơn mười lăm năm phôi thai, qua nhiều đời lãnh đạo, rất nhiều ý kiến trái chiều, cuối cùng Cảng hàng không Quảng Trị cũng thành hình - do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên Tập đoàn T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công đầu năm nay.

Song song với đó, Khu công nghiệp Quảng Trị chính thức thi công vào tháng 12/2023 là công trình được chờ đợi nhiều nhất, do các doanh nghiệp lớn, giàu kinh nghiệm, tiềm lực từ nước ngoài đầu tư, hứa hẹn tạo ra 3 - 4 vạn việc làm. Và là tiền đề thúc đẩy hàng loạt lĩnh vực phụ trợ cùng phát triển.

Ngoài ra, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được giao cho Tập đoàn Sơn Hải nghiên cứu đầu tư xây dựng theo phương thức PPP; cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh, dự án thành phần của “cung đường thiên lý Bắc - Nam” sắp khánh thành; cùng với tuyến đường tránh thành phố Đông Hà làm thay đổi diện mạo hạ tầng cơ sở. Như vậy, về cơ bản tỉnh Quảng Trị đã quy hoạch xong các hạng mục hạ tầng cốt lõi nhất phục vụ phát triển kinh tế.

Hạ tầng Quảng Trị được quy hoạch trên cơ sở thực tiễn rất vững chắc, đó là kinh tế biên mậu từ hai cửa khẩu quốc tế rất sôi động Lao Bảo và La Lay. Cảng nước sâu Mỹ Thủy giúp khai thác tiềm năng dọc 75km bờ biển hướng ra Biển Đông, kết nối với cung đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sẽ giải phóng năng lực thông thương hàng hóa, dịch vụ logictics trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là yêu cầu từ thực tế do năng lực vận tải hiện nay chưa đáp ứng hết khối lượng hàng hóa ngày càng tăng từ Lào, Thái Lan quá cảnh sang Việt Nam và ngược lại.

 Phối cảnh cảng nước sâu Mỹ Thủy, dự án sẽ tái khởi công vào tháng 2.2024

Phối cảnh cảng nước sâu Mỹ Thủy, dự án sẽ tái khởi công vào tháng 2.2024

Chắt chiu cơ hội để vươn lên

Năm 2024, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6,5 - 7%, thu nhập bình quân đầu người 75 - 77 triệu đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.901 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26.500 tỉ đồng. Hoàn thành và triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sớm đưa Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan đi vào vận hành.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, để đạt các mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra nhiệm vụ cụ thể: “Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là các công trình, dự án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương và nhà đầu tư đồng thuận, ký kết”.

Từ bài học qua quá trình phát triển kinh tế của các địa phương hàng đầu cả nước, cho thấy rằng. Trong 5 năm qua Quảng Trị có không ít nhà đầu tư lớn tìm đến rồi lặng lẽ ra đi để lại hụt hẫng. Nói cách khác, địa phương khó giữ chân nhà đầu tư có “số má”. Vì sao?

Những nguyên nhân trước đây được cho là khách quan, như khí hậu khắc nghiệt, nguồn nhân lực hạn chế, hạ tầng chưa đồng bộ,…thì nay đã gần như thuộc về chủ quan. Bởi lẽ, Quảng Trị đã vuột mất nhiều cơ hội để biến mình trở nên hấp dẫn hơn, chậm trễ cải thiện môi trường kinh doanh.

Ví dụ điển hình: dự án mở rộng Quốc lộ 9 từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) 440 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm 2022, hai gói thầu xây lắp mới thực hiện được 5-12% tiến độ thì bị WB cắt vốn vay do tỉnh Quảng Trị chậm bàn giao mặt bằng, gây thất thoát lãng phí lớn trong khi nguồn thu eo hẹp!

Có thể bạn quan tâm

  • Thách thức mới với điện gió Quảng Trị

    Thách thức mới với điện gió Quảng Trị

    19:28, 29/12/2023

  • Quảng Trị: Khơi nguồn phát triển công nghiệp

    Quảng Trị: Khơi nguồn phát triển công nghiệp

    17:34, 29/12/2023

  • Gần 2 thập kỷ xây dựng thương hiệu MDF Quảng Trị

    Gần 2 thập kỷ xây dựng thương hiệu MDF Quảng Trị

    10:15, 27/12/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ