Trung Quốc "mạnh tay" thúc đẩy thị trường nội địa

CẨM ANH 11/01/2024 03:00

Sự khác biệt lớn trong việc phê duyệt và giám sát thị trường giữa các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đang cản trở nỗ lực xây dựng một “thị trường thống nhất trên toàn quốc”.

>> Trung Quốc “chuyển hướng” nền kinh tế

Trung Quốc xây dựng thị trường quốc gia thống nhất được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả, đảm bảo thông suốt và mở rộng quy mô của thị trường nội địa Trung Quốc

Việc xây dựng thị trường quốc gia thống nhất được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô của thị trường nội địa Trung Quốc

Xây dựng một thị trường thống nhất toàn quốc đã được đề cập đến tại hội nghị công tác kinh tế trung ương do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì vào tháng 12 năm ngoái, và một lần nữa được trích dẫn tại cuộc họp báo đặc biệt do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) tổ chức vào ngày 26/12/2023.

Theo đó, Trung Quốc cần đẩy nhanh việc hình thành các quy tắc về cơ chế thị trường quốc gia thống nhất, phá vỡ sự bảo hộ địa phương và phân mảnh thị trường, khơi thông các điểm nghẽn chính hạn chế sự tuần hoàn của nền kinh tế, thúc đẩy luân chuyển thông suốt các nguồn lực và yếu tố hàng hóa trên quy mô lớn hơn, đẩy nhanh việc xây dựng một thị trường quốc gia thống nhất hiệu quả, tiêu chuẩn hóa, cạnh tranh bình đẳng và mở cửa đầy đủ.

Các nhà phân tích cho rằng sự tập trung chưa từng có vào vấn đề này là do quốc gia này đang rất cần hiệu quả thị trường cao hơn và một thị trường lớn hơn trong năm nay để đảm bảo sự ổn định kinh tế - nhưng tiến độ có thể chậm hơn so với mong đợi của Bắc Kinh.

Về mặt chiến lược, Trung Quốc cần một thị trường nội địa đầy hứa hẹn hơn bao giờ hết. Khi mối quan hệ với phương Tây đang dần suy yếu trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng và sự chia rẽ đang nổi lên, đã có sự dịch chuyển một số chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, vì vậy nước này phải chuyển hướng vào bên trong.

Phó giám đốc NDRC Li Chunlin cho biết: “Đây cũng là nền tảng quan trọng để giải phóng tiềm năng nhu cầu trong nước và củng cố sự phục hồi kinh tế”. NDRC cũng đã tiến hành các đánh giá về nhiều mục tiêu tăng trưởng khác nhau, bao gồm cả tiến độ của việc xây dựng thị trường thống nhất.

Theo bảng điểm do Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia có trụ sở tại Bắc Kinh công bố, chỉ số thị trường hóa của Trung Quốc, thước đo sự phát triển thị trường trên thang điểm từ 0 đến 10, đã tăng từ 5,45 vào năm 2008 lên 6,72. Nó tiếp tục được cải thiện so với mức của năm 2016, nhưng giảm nhẹ vào năm 2019 do sự can thiệp ngày càng tăng của chính phủ.

>> Điều gì thúc đẩy Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng?

quy định mới nhằm thúc đẩy toàn diện thị trường Trung Quốc “chuyển từ lớn sang mạnh

Các quy định mới hướng tới thúc đẩy toàn diện thị trường Trung Quốc chuyển từ lớn sang mạnh

Trong báo cáo được phát hành năm 2021, nhóm chuyên gia thực hiện chỉ số cho biết: “Chúng ta phải nhận ra rằng cải cách theo định hướng thị trường của Trung Quốc vẫn chưa được hoàn thành, mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá khứ”.

Các chuyên gia thuộc China Pathfinder, một dự án chung của Rhodium Group cho biết: “Nếu Bắc Kinh muốn thoát khỏi lỗ hổng kinh tế hiện tại, họ cần ban hành những cải cách cụ thể”.

Chỉ số tổng hợp cạnh tranh thị trường của Trung Quốc đã tăng từ mức 1,4 của năm 2010, lên 3,76 vào năm 2022; trong khi chỉ số cởi mở đầu tư trực tiếp tăng từ 0,65 lên 2,18 trong cùng kỳ. Nhưng cả hai đều kém xa mức trung bình của nền kinh tế mở là trên 6.

Bắc Kinh tin rằng họ có tiềm năng đưa nền kinh tế Trung Quốc lên một tầm cao hơn một khi thị trường nội địa được phát triển toàn diện. Hiện đã có rất nhiều đề xuất, bao gồm cả việc nới lỏng hơn nữa hệ thống đăng ký hộ khẩu để thúc đẩy dòng lao động và nhân tài trên khắp đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi là liệu các thông điệp của Bắc Kinh có thể nhanh chóng được chuyển thành các hành động thực tế hay không.

Trung Quốc đã điều chỉnh hoặc bãi bỏ hàng trăm đạo luật và quy định để được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, điều này giúp quốc gia này phá bỏ các rào cản thương mại, đồng thời thúc đẩy đáng kể dòng chảy của các yếu tố sản xuất, vốn và công nghệ.

Nhưng ông Rui Meng, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu chỉ ra: “Các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và rào cản trong khi thiếu những cán bộ thực thi luật cạnh tranh công bằng”.

Đồng quan điểm, ông Han Jian, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nam Kinh, cho biết các công ty nước ngoài vẫn lo ngại các quy định thiếu minh bạch của các chính quyền địa phương. Một cuộc khảo sát 300 công ty nước ngoài được tiến hành gần đây cho thấy, hầu hết cấc doanh nghiệp đều mong muốn dòng dữ liệu và vốn không bị cản trở, trong khi một nửa số người được hỏi lo lắng về việc các thủ tục tiếp cận thị trường giữa các tỉnh, thành phố còn mơ hồ và khác nhau.

"Trung Quốc nên tiếp tục điều chỉnh các quy định và thông lệ liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường và mua sắm nhằm phân biệt đối xử với các doanh nghiệp theo quốc tịch hoặc tính chất sở hữu của họ", chuyên gia này khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc “chuyểnp/hướng” nền kinh tế

    Trung Quốc “chuyển hướng” nền kinh tế

    15:53, 09/01/2024

  • Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng, Trung Quốc tìm cách hoá giải

    Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng, Trung Quốc tìm cách hoá giải

    03:30, 09/01/2024

  • Trung Quốc có thể học được gì từ nền kinh tế Nga?

    Trung Quốc có thể học được gì từ nền kinh tế Nga?

    03:00, 05/01/2024

  • Tìm cách

    Tìm cách "thoát" Trung Quốc, phương Tây bị đẩy vào thế khó

    03:23, 03/01/2024

  • Trung Quốc sẽ làm gì để vực dậy kinh tế trong năm 2024?

    Trung Quốc sẽ làm gì để vực dậy kinh tế trong năm 2024?

    04:00, 31/12/2023

CẨM ANH