Trung Quốc đã và đang “chuyển hướng” nền kinh tế, từ hướng ngoại sang hướng nội - tự lực cánh sinh với rất nhiều chiến lược mới được áp dụng.
Chiến lược này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, qua đó sớm vực dậy nền kinh tế nước này.
Tuần hoàn kép là khái niệm được Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu lần đầu vào tháng 5/2020, là nguyên tắc cơ bản cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu tầm nhìn đến 2035. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho giai đoạn cuối cùng của chặng đường “100 năm lần thứ nhất” - hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.
Trong vòng tuần hoàn thứ nhất, Trung Quốc đẩy mạnh chuyển đổi phương thức kinh tế theo hướng “trọng cung”, là lý thuyết kinh tế học chú trọng nâng cao năng lực sản xuất, dựa trên mệnh đề nổi tiếng “hãy mở rộng sản xuất, nhu cầu sẽ tăng theo”, chống được lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng không ngừng.
Ưu điểm của lý thuyết này là khi năng lực sản xuất tăng lên thì sản lượng hàng hóa đồng thời tăng theo, giúp giảm giá cả, từ đó kích thích mua sắm tiêu dùng. Công cụ hỗ trợ cho lý thuyết này là miễn giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu và phát triển, cổ vũ thương mại tự do xuyên biên giới,...
Điểm đặc sắc đáng chú ý là khi Trung Quốc dựa vào nội lực, với thị trường trong nước rộng lớn, quốc gia này có thể thực hiện tham vọng tạo ra những bí quyết công nghệ, sản xuất sản phẩm mang tính khu biệt. Dĩ nhiên, nó không bao giờ chỉ dừng lại trong lãnh thổ đại lục.
Đối với vòng tuần hoàn thứ hai, Trung Quốc mở cánh cửa ra bên ngoài dựa trên nền tảng mới, phương pháp tiếp cận mới, bao gồm các công cụ cơ bản, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã thay đổi bản chất từ đầu tư hạ tầng thô sơ sang công nghệ cao. Đồng thời, mở rộng liên minh BRI, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, khơi thông thị trường tài chính.
Trong đó, vòng tuần trong nước là căn cơ, mục tiêu của mọi quá trình kinh tế sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng trước hết đáp ứng nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, thu hút nguồn lực bên ngoài, cân đối tiếp nhận đầu tư và đầu tư ra bên ngoài, hài hòa xuất khẩu và nhập khẩu, nội thương và ngoại thương. Đặc biệt, không để biến động bên ngoài gây hại đến hệ thống trong nước.
>> "Mịt mù" tương lai bất động sản Trung Quốc
Khái niệm “tuần hoàn” cũng cho thấy “triết lý Trung Quốc”, ở chỗ: những lợi ích căn bản cuối cùng phải quay lại phục vụ Trung Quốc; đồng thời đó là chu trình kinh tế lặp đi lặp lại, trên quỹ đạo đường lối do Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình sẵn. Như vậy, Trung Quốc sẽ tăng cường sử dụng quyền lực chính trị giám sát, quản lý kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, Trung Quốc bắt đầu “khó tính” hơn với các doanh nghiệp từng là đại diện tiêu biểu cho kinh tế tư nhân trong nước, khiến hàng loạt “đại gia” bị “phong sát” để tuân theo các điều chỉnh mới. Sự lụi tàn của nhiều “đế chế” công nghệ, dọn dẹp lĩnh vực bất động sản,… đã cho thấy điều đó.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc bắt đầu gặp phải môi trường pháp lý chặt chẽ hơn, như kiểm soát thông tin dữ liệu; vướng phải rắc rối chính trị, nhân quyền; “dính đòn” trả đũa do mâu thuẫn chiến lược Mỹ - Trung. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc không còn dễ dàng như xưa vì nước này đồng loạt nâng cấp tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa để bảo vệ thị phần trong nước.
Trên bình diện lớn hơn, sự điều chỉnh của Trung Quốc tất yếu kéo theo sự thay đổi nhất định về xu hướng quản trị, hoạch định phát triển kinh tế hiện nay trên thế giới. Tuần hoàn kép thực chất là nhấn mạnh “chủ nghĩa dân tộc kinh tế”, nảy sinh mâu thuẫn giữa xu hướng toàn cầu hóa, tự do thương mại và tâm lý e ngại bất an về những biến động khôn lường từ bên ngoài.
Ngoài Trung Quốc, nhiều nước đã và đang điều chỉnh theo hướng tăng cường tự chủ kinh tế, như Ấn Độ triển khai kế hoạch “Ấn Độ tự chủ”, Indonesia “tự chủ công nghiệp”. Bên cạnh đó, các quốc gia tại châu Âu tăng cường ngăn chặn nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp, thị trường trong lĩnh vực công nghệ cao và kết cấu hạ tầng quan trọng.
Dù tăng cường chiến lược hướng nội, nhưng Trung Quốc sẽ cung cấp hàng loạt giải pháp mới cho khu vực và quốc tế, về công nghệ cao, tài chính. Việt Nam với đầy đủ cơ chế hợp tác với Trung Quốc đứng trước cơ hội kết nối các thành tựu từ láng giềng. Đồng thời, sự thoái lui của Trung Quốc trong phân khúc hàng hóa tầm trung để lại khoảng trống lớn cho thị trường khu vực và thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Những gam màu xám trong bức tranh kinh tế Trung Quốc
04:00, 21/12/2023
Kinh tế Trung Quốc 2024: Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng
03:30, 17/12/2023
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ "cản bước" kinh tế ASEAN?
03:00, 30/11/2023
Gặp bất ổn, kinh tế Trung Quốc còn động lực nào để tăng trưởng trở lại?
14:01, 23/11/2023
Làm gì khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc?
01:00, 01/10/2023
Chính phủ "mạnh tay" can thiệp, kinh tế Trung Quốc chuyển biến ra sao?
04:00, 17/09/2023