Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc việc giảm giới hạn cấp tín dụng
Trước đề xuất giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan, góp ý sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này cần được cân nhắc...
>> Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng
Theo đó, tại Mục 1 và Mục 2, Điều 136 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định về giới hạn cấp tín dụng: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại…; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại…”.
Giải trình về đề xuất đã nêu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định về giới hạn cấp tín dụng một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan tại tổ chức tín dụng là kế thừa quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Điều này hướng tới mục tiêu giảm rủi ro tập trung tín dụng tại các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo nguồn vốn tín dụng được phân bổ tới nhiều khách hàng, bao gồm cả những khách hàng nhỏ lẻ, gia tăng việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, khách hàng, hạn chế việc chỉ tập trung vốn tín dụng cho các khách hàng, nhóm khách hàng lớn.
So với hiện hành, đề xuất của Dự thảo Luật (sửa đổi) đã điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Xoay quanh đề xuất đã nêu, đồng tình với việc giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan để hạn chế tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng hay nhóm khách hàng lớn, đảm bảo sự an toàn cho hệ thống, tránh rủi ro khi tập trung cho vay một khách hàng, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, quy định này cần được cân nhắc.
>> Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Siết tỷ lệ sở hữu vẫn khó chặn thao túng
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, không phủ nhận mặt tích cực của việc giảm giới hạn cấp tín dụng khi việc này sẽ đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng và tránh rủi ro một cách tối đa do tập trung vào một số khách hàng lớn. Tuy nhiên, việc giới hạn cấp tín dụng theo đề xuất trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể sẽ gây bất lợi đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo ông Thịnh, nếu áp dụng, khi đó, ngân hàng chỉ được cấp tín dụng cho khách đến một mức tối đa thấp, giải ngân vốn trên thị trường sẽ giảm xuống. Ngân hàng cũng sẽ nhiều việc hơn khi muốn giải ngân vốn cho các đối tác khác, lại phải thẩm định các tài sản đảm bảo, các hồ sơ liên quan đến khoản vay nợ mới.
Còn đối với các khách hàng hay doanh nghiệp, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn gây nhiều khó khăn, các kênh huy động vốn như chứng khoán, trái phiếu chưa phát huy được vai trò huy động vốn thì vốn ngân hàng là vô cùng quan trọng. Trong khi hiện điều kiện cho vay tại các ngân hàng đã rất khó khăn thì quy định mới sẽ khiến doanh nghiệp vay được ít vốn hơn, dẫn đến thiếu vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng.
Đồng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, việc giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đồng thời sẽ kéo theo một lượng vốn sẽ bị cắt giảm trên thị trường, trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay vì giảm tỷ lệ cấp tín dụng thì xem xét theo hướng quy định chặt hơn về điều kiện cấp tín dụng so với hiện nay.
Chưa kể, việc điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ tối đa cho vay khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp phải tiếp cận cùng lúc nhiều tổ chức tín dụng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án. Các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều, đặc biệt là sẽ giảm sức cạnh tranh của ngân hàng.
Được biết, liên quan đến nội dung này, trước đó, cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp tháng 6/2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng.
Theo Ủy ban Kinh tế, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro.
Cơ quan này cũng lo ngại, việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Bên cạnh đó, trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với luật hiện hành.
“Thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại Dự thảo Luật”, Ủy ban Kinh tế bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng
04:00, 09/12/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Siết tỷ lệ sở hữu vẫn khó chặn thao túng
03:30, 08/12/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Giải pháp nào hạn chế thao túng, sở hữu chéo?
04:00, 25/11/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Áp dụng “can thiệp sớm” khi ngân hàng gặp khó
11:00, 06/11/2023
NHNN: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận biện pháp đảm bảo tiền vay
12:00, 03/09/2023