Để ngày Tết không còn nỗi lo thực phẩm “bẩn”

KHÔI NGUYÊN 14/01/2024 03:00

Càng đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao, vì vậy, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thực phẩm bẩn cũng đã len lỏi vào thị trường…

>>Nhức nhối “thực phẩm bẩn”

Lực lượng chức năng kiểm tra số lòng lợn đông lạnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra số thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc tại Bắc Giang. Ảnh: QLTT

Nhiều năm qua, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn… nhưng số vụ vi phạm vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn đang gia tăng khiến người tiêu dùng không khỏi bất an.

Thực tế, người tiêu dùng có cơ sở để lo lắng khi trong năm 2023, cơ quan chức năng đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm, tăng 16% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ; hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Những con số đã cho thấy tình trạng này đang ở mức rất đáng báo động bởi vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Được biết, để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngày 8/12/2023, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với mục tiêu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kém chất lượng. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến các quy định, kiến thức về phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, việc quảng cáo làm sai lệch bản sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, kịp thời cảnh báo nguy cơ không bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

>>Tết đến… lại canh cánh nỗi lo thực phẩm bẩn

Lực lượng chức năng phát hiện khoảng 5 tấn nầm lợn, trứng non không rõ nguồn gốc được vận chuyển về Hà Nội. Ảnh: CACC.

Khoảng 5 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc được vận chuyển về Hà Nội bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: CACC.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù các cơ quan, đơn vị liên quan đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết, nhưng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn và lực lượng thanh tra cũng còn mỏng nên ngoài "chiến dịch" tổng kiểm tra trên diện rộng, lực lượng chức năng vẫn cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác hậu kiểm, xử phạt vi phạm. Trong quá trình đó điều quan trọng là cần huy động sự tham gia của chính quyền cơ sở và người dân nhằm phát hiện những cơ sở kinh doanh thực phẩm "bẩn", sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng.

Cũng phải thẳng thắn nói rằng, nếu chỉ mở những đợt cao điểm hoặc tập trung vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm hay nhưng đợt cao điểm như dịp Tết… thì chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế tình trạng kinh doanh, buôn bán và vận chuyển thực phẩm "bẩn".

Các chuyên gia cũng đã khuyến cáo, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng này. Muốn thế cần có giải pháp phối hợp giữa các ngành liên quan, mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn hàng nhập lậu. Và khi phát hiện những vi phạm về thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc thì các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Thậm chí, xử lý hình sự một cách nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, chính là những người buôn bán, sản xuất cần phải có lương tâm, trách nhiệm với những sản phẩm mình bán ra. Đây là điều quan trọng nhất, bởi người tiêu dùng không thể tinh tường, phân biệt tất cả các loại nhãn hàng, mà cần đến lương tri trong chính những người bán.

Suy cho cùng, vấn đề thực phẩm bẩn vẫn thực sự là một vấn đề nan giải nên việc đẩy lùi không thể chỉ trong một sớm, một chiều, cũng không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng hay một ban ngành, đoàn thể, cá nhân nào. Để giải quyết nó, cần phải có sự kết hợp giữa cơ quan quản lí, người sản xuất và người tiêu dùng thì vấn nạn này mới có thể đầy lùi. Hãy cùng nhau chung tay, góp sức vì sức khỏe của cộng đồng và của chính mình.

“Có sức khỏe là có tất cả” – Hãy đảm bảo tính mạng chính mình từ những việc nhỏ nhất. Hãy góp phần nhỏ của mình vào xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh, hướng đến niềm vui trọn vẹn trong những bữa cơm hằng ngày, tiến đến bữa cơm ngày Tết không còn nỗi lo thực phẩm “bẩn”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhức nhối “thực phẩm bẩn”

    Nhức nhối “thực phẩm bẩn”

    03:20, 25/09/2023

  • Chống thực phẩm bẩn, vẫn còn… chồng chéo

    Chống thực phẩm bẩn, vẫn còn… chồng chéo

    04:00, 16/07/2021

  • Thực phẩm bẩn vẫn luẩn quẩn từ…

    Thực phẩm bẩn vẫn luẩn quẩn từ… "lỗ hổng" pháp lý

    04:40, 25/05/2021

  • Tết đến… lại canh cánh nỗi lo thực phẩm bẩn

    Tết đến… lại canh cánh nỗi lo thực phẩm bẩn

    04:00, 14/02/2021

KHÔI NGUYÊN