Kinh tế Trung Quốc giảm phát kéo dài, điều gì đang diễn ra?

TRƯỜNG ĐẶNG 16/01/2024 04:00

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12/2023, cho thấy những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt trong việc phục hồi nền kinh tế.

Giảm phát đang diễn ra ở Trung Quốc tháng thứ 3 liên tiếp

Giảm phát diễn ra ở Trung Quốc tháng thứ 3 liên tiếp

Dữ liệu hôm thứ 12/01 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy CPI tháng 12/2023 của nước này đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022, thu hẹp từ mức giảm 0,5% trong tháng 11. Mức giảm này, theo các nhà phân tích, chủ yếu đến từ tác động của giá dầu và thực phẩm giảm. 

>>Quốc gia nào "soán ngôi" Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ?

Trong cả năm 2023, CPI Trung Quốc chỉ tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 3% mà Bắc Kinh đặt ra. Trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022, so với mức giảm 3% trong tháng 11. Chỉ số này đã ở trong vùng âm trong 15 tháng liên tiếp kể từ tháng 10 năm 2022.

Đây lại là tín hiệu không mấy tích cực đối với Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phải “vật lộn” tìm cách kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước trong nhiều tháng, sau khi chứng kiến hoạt động khôi phục tăng trưởng kinh tế hậu “Zero – Covid” thất bại.

Từng là một trong những thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới, người dân Trung Quốc giờ đây đang cắt giảm chi tiêu và ưu tiên tiết kiệm. Thị trường bất động sản đáng lo ngại và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao cũng phần nào tác động tới tâm lý tiêu dùng, khiến nhiều nhà sản xuất phải chạy đua giảm giá trước doanh số bán hàng yếu hơn.

Các động lực thúc đẩy giảm phát ở Trung Quốc được dự báo sẽ sớm vượt ra phạm vi quốc tế. Theo các nhà phân tích, lượng hàng hóa dư thừa của Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh chuyển hướng ra nước ngoài.

Với lợi thế giá rẻ, nhiều quốc gia đang lo ngại thị trường trong nước sẽ sớm bị “xâm chiếm” bởi hàng Trung Quốc. Mùa thu năm ngoái, Liên minh châu Âu đã cáo buộc và mở cuộc điều tra việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho ngành xe điện để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng ở thị trường EU.

Adam Wolfe, chuyên gia về thị trường mới nổi tại Absolute Strategy Research, cho biết: “Giảm phát kéo dài ở Trung Quốc có thể góp phần làm tăng thặng dư thương mại và gây ra nhiều xung đột thương mại hơn với phần còn lại của thế giới”.

>>Lần đầu Trung Quốc vươn tới "đỉnh cao" xe điện

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc năm 2023 đã tuyên bố rằng tình trạng giảm phát ở nước này chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho biết họ tin rằng áp lực giảm phát sẽ khó đảo ngược.

Wei Yao, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Société Générale, dự đoán rằng mặc dù CPI của Trung Quốc có thể sẽ tăng trở lại 1% vào cuối năm 2024, nhưng áp lực giảm giá sẽ không giảm đi nhanh chóng.

Bà nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, áp lực giảm phát ở Trung Quốc do nhu cầu trong nước yếu có thể còn tồn tại trong một thời gian nữa”.

Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao cũng khiến sức tiêu dùng suy yếu

Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao cũng khiến sức tiêu dùng suy yếu

Nhật Bản đã trải qua tình trạng tương tự bắt đầu từ những năm 1990, khi đất nước bước vào thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài hàng thập kỷ với dân số giảm và mức nợ tăng cao.

Cho tới nay, chính quyền Trung Quốc thực hiện một số giải pháp, như giảm lãi suất hoặc tăng đầu tư công,... nhưng chỉ mang lại lợi ích tối thiểu.

Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã mất đà sau khi tăng trưởng trở lại trong quý 3/2023. Không chỉ có sự sụt giảm trong hoạt động tại các nhà máy và dịch vụ, doanh số bán nhà mới vẫn yếu. Zhongzhi Enterprise Group, một trong những công ty tín thác lớn nhất Trung Quốc, mới tuyên bố phá sản vào tuần trước càng cho thấy thế khó của nước này.

Dự báo của các ngân hàng đầu tư toàn cầu chỉ ra tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dao động từ 4% đến 4,9% trong năm nay. Mặc dù đây là mức cao so với nhiều quốc gia khác, nhưng nó đánh dấu sự chậm lại so với những năm bùng nổ trước đó của Trung Quốc.

Trong khi đó, việc Bắc Kinh có thể sẽ duy trì mục tiêu cao hơn - khoảng 5% - báo hiệu khả năng chính phủ nước này sẽ có nhiều biện pháp kích thích kinh tế. Đó cũng là cơ sở để các nhà kinh tế dự đoán áp lực giảm phát Trung Quốc sẽ giảm bớt vào năm 2024.

“Chúng tôi kỳ vọng giảm phát ở Trung Quốc sẽ chấm dứt nhưng lạm phát thấp sẽ vẫn giữ nguyên”, các nhà kinh tế từ JP Morgan nhận định về kinh tế Trung Quốc trong 2024.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc “chuyển hướng” nền kinh tế

    Trung Quốc “chuyển hướng” nền kinh tế

    02:30, 14/01/2024

  • Hé lộ cách hoá giải căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và EU

    Hé lộ cách hoá giải căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và EU

    03:30, 13/01/2024

  • 2 lực đẩy kinh tế Trung Quốc năm 2024

    2 lực đẩy kinh tế Trung Quốc năm 2024

    03:00, 12/01/2024

  • Trung Quốc

    Trung Quốc "mạnh tay" thúc đẩy thị trường nội địa

    03:00, 11/01/2024

  • Vì sao Mỹ quan ngại chip thế hệ cũ của Trung Quốc?

    Vì sao Mỹ quan ngại chip thế hệ cũ của Trung Quốc?

    03:00, 10/01/2024

TRƯỜNG ĐẶNG