Áp thuế VAT với phân bón – “Một mũi tên trúng nhiều đích”
Không chỉ giúp giá bán của các mặt hàng này được định giá theo cung - cầu thị trường, đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón còn được cho có thể giúp người tiêu dùng hưởng lợi…
>> Đề xuất áp thuế GTGT 5% với phân bón: Doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh
Theo đó, sau gần một thập kỷ phải “gánh” thêm các khoản chi phí không được khấu trừ, chịu thất thế về tính cạnh tranh trên “sân nhà”, các doanh nghiệp ngành phân bón đang kỳ vọng vào một “cú hích” khi tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại.
Thông tin về đề xuất đã nêu, cơ quan này cho biết, phần lớn phân bón nhập vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế VAT, nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán. Điều này gây bất lợi khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Trong khi đó, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu trong khi thuế nhập khẩu vốn rất thấp hoặc đã về 0%. Còn nông dân phải mua giá cao do các nhà sản xuất trong nước đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành.
Cũng theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phân bón, Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón và đại biểu Quốc hội tại nhiều tỉnh, thành cũng phản ánh khó khăn trên và đề nghị chuyển mặt hàng này sang đối tượng chịu thuế VAT 5%.
>>Cân nhắc việc áp thuế VAT 5% với phân bón và vật tư nông nghiệp
Đề xuất đã nêu không chỉ nhận được sự đánh giá cao về việc tiếp thu, lắng nghe của cơ quan soạn thảo trong xây dựng cơ chế chính sách, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” cho các doanh nghiệp ngành phân bón.
Thực tế cho thấy, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đã dẫn đến toàn bộ thuế đầu vào không được khấu trừ. Do đó, một số doanh nghiệp đã phải hạch toán vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng, ước tính, mức tăng dao động từ 5-7% tùy vào từng sản phẩm, khiến mặt hàng này mất tính cạnh tranh trên thị trường…
Chưa kể, hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón, tính trung bình mỗi năm các doanh nghiệp không được nhận tiền hoàn thuế VAT đầu vào là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng do phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế. Trong khi đó, nếu áp dụng thuế suất 5%, doanh nghiệp sản xuất giảm được giá thành tương đương 5% trên giá bán khoảng 950 tỷ đồng.
Từ thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón tại Dự thảo Luật nếu được thông qua sẽ tạo sân chơi công bằng giữa nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng bình đẳng hơn khi tham gia đấu thầu quốc tế. Chưa kể, điều chỉnh này sẽ giúp hạ giá phân bón, tạo điều kiện cho đầu tư vào các dự án chất lượng cao, thế hệ mới.
Phân tích về mặt tích cực khi mặt hàng phân bón thuộc diện áp thuế VAT 5%, ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, Thứ nhất - các doanh nghiệp sản xuất nhận được 5% đầu vào của dịch vụ, của nguyên liệu đầu vào thì người ta sẽ tìm cách giảm giá thành sản xuất; Thứ hai - sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu sẽ giảm; Thứ ba - khi được khấu trừ 5% thì khá nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, sản phẩm mới để ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón có hàm lượng công nghệ cao.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng gần 11 triệu tấn phân bón trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất được khoảng hơn 6 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu. Nếu mặt hàng phân bón được chịu thuế VAT, kéo theo giá thành sản phẩm giảm thì cũng có lợi cho bà con nông dân, giúp chi phí đầu tư cho nông nghiệp cũng giảm.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đề xuất chính sách áp thuế VAT 5% với phân bón nếu được thông qua sẽ như “một mũi tên trúng nhiều đích”, bởi, ngoài việc kéo giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, Ngân sách Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu.
Được biết, trước đó, mặt hàng phân bón nằm trong nhóm chịu VAT 5% (quy định tại Luật Thuế VAT năm 2008). Đến năm 2014, với quan điểm phân bón là mặt hàng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nhằm hỗ trợ người nông dân, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), trong đó, chuyển phân bón sang nhóm đối tượng không chịu thuế VAT.
Kể từ khi Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực (năm 2015) đến nay, do phân bón là mặt hàng không tính thuế VAT nên các doanh nghiệp không được khấu trừ các chi phí VAT đầu vào trong quá trình sản xuất (phần lớn có thuế suất 10%) và buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất, làm tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Trước bất cập này, suốt nhiều năm qua, các doanh nghiệp phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và nhiều chuyên gia đã kiến nghị cơ quan quản lý sửa đổi Luật Thuế VAT theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% thay cho không chịu thuế.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất áp thuế GTGT 5% với phân bón: Doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh
13:59, 09/01/2024
Triển vọng ngành phân bón: Kỳ vọng giá phân bón phục hồi trong năm 2024
04:30, 08/01/2024
Phân bón Bình Điền: Nền tảng cốt lõi tạo thành công
08:00, 20/12/2023
Cân nhắc việc áp thuế VAT 5% với phân bón và vật tư nông nghiệp
04:00, 13/12/2023
Khởi nghiệp thành công với mô hình phân bón hữu cơ từ lông gà
01:30, 10/12/2023