Nhân sự ngành địa ốc “lao đao”
Có thể thấy, trong năm 2023, tình trạng cắt giảm nhân sự vẫn tiếp tục diễn ra đối với cả doanh nghiệp nhỏ và lớn trên thị trường địa ốc.
>>Dư nợ tín dụng bất động sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng
Theo báo cáo thông tin thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp địa ốc trong năm 2023 hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc giải thể
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Bộ phận BHS R&D cho biết, thực trạng ngành môi giới tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM cho thấy, số lượng sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động lên đến gần 50%. Trong số 50% còn lại, có đến 30% là hoạt động cầm chừng do không trả lương cho nhân viên bán hàng hoặc khi bán được hàng mới có lương. Như vậy, chỉ 20% có hoạt động thực tế.
>>Giá thuê mặt bằng bán lẻ duy trì tăng trưởng
Trong khi đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới chỉ có 4.725 doanh nghiệp, giảm tới 45,01% so với năm 2022. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 1.286 (tăng 7,7%) và 3.705 (tăng 47,4%) so với năm trước.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, nhiều doanh nghiệp địa ốc không “trụ” lại được với thị trường khi phải đối mặt với các khó khăn, thách thức. Đầu tiên là vướng mắc về pháp lý khiến nhiều dự án bị đình trệ, chủ đầu tư không thể triển khai dự án khiến hoạt động kinh doanh bị đóng băng, nhất là các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay tín dụng khó khăn cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giải thể. Trong năm 2023, các doanh nghiệp hầu như không huy động được vốn từ trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ và dừng triển khai. Cùng với đó, thách thức về thanh khoản càng thêm nặng nề trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp.
“Làn sóng” cắt giảm nhân sự
Trước bối cảnh khó khăn kéo dài, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí. Bộ Xây dựng cho biết tình trạng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp vẫn đang diễn ra không chỉ đối với đơn vị nhỏ mà cả các công ty bất động sản lớn trên thị trường. Trong đó có các doanh nghiệp như Tập đoàn Đất Xanh giảm 1.384 nhân sự, Đất Xanh Services giảm 1.245 nhân sự...
Trước đó, tình trạng sa thải đã bắt đầu từ năm 2022 khi thị trường bất động sản khủng hoảng. Báo cáo chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam” của VARS công bố vào tháng 6/2023 cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn tới nỗi dù đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn không đủ sức “ngoi lên”.
Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự rất mạnh trong năm 2022 như Novaland cắt giảm 20% nhân sự; Công ty CP Phát triển Sunshine Homes cắt giảm 16% nhân sự; Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia cắt giảm 29%...
Dự báo về tình hình thị trường bất động sản, VARS cho rằng, thị trường địa ốc có thể tiếp tục đối mặt với những khó khăn và tiếp tục tác động tới thị trường nhân sự ngành này. Như VARS nhận định, nếu không có những giải pháp cứu nguy, khả năng giải thể của một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản vẫn sẽ tiếp diễn trước những thách thức trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Ra mắt văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực miền Trung
12:23, 17/01/2024
Dư nợ tín dụng bất động sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng
12:03, 17/01/2024
“Cuộc chơi” M&A bất động sản
14:45, 16/01/2024
Sửa Luật Đất đai: Động lực phát triển bền vững thị trường bất động sản
12:32, 16/01/2024
Bất động sản phía Nam đón cơ hội mới
05:00, 16/01/2024