Sách trắng 2024 "tiết lộ" điều gì về vị thế Việt Nam?

TRƯỜNG ĐẶNG 19/01/2024 03:30

“Sách trắng 2024” của EuroCham vừa công bố cung cấp góc nhìn sâu sắc về triển vọng thương mại Việt Nam – EU, qua đó cho thấy vị thế "tươi sáng" của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh toàn cầu.

EuroCham Việt Nam ra mắt Sách trắng 2024 về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam

EuroCham Việt Nam ra mắt Sách trắng 2024 về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam

Việt Nam khẳng định vị thế trong mắt EU

Báo cáo được ra mắt ngày 16/01 vừa qua thể hiện quan điểm kinh doanh của các hiệp hội thành viên và các tiểu ban thuộc EuroCham Việt Nam đối với thị trường Việt Nam, trong đó nhấn mạnh sự tăng trưởng và tiềm năng đáng kể trong quan hệ đối tác thương mại và đầu tư song phương.

>>Kỳ vọng mới cho quan hệ Việt Nam - Đan Mạch

Theo đó, Việt Nam tiếp tục nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu, với động lực lớn nhất là Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). EVFTA, một hiệp định thương mại mang tính bước ngoặt, đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này, loại bỏ nhiều loại thuế quan và thúc đẩy một môi trường thương mại hiệu quả và dễ tiếp cận hơn. Thỏa thuận này không chỉ thúc đẩy thương mại mà còn khuyến khích phát triển bền vững và tiêu chuẩn cao hơn trong thực hành lao động và môi trường.

Với các doanh nghiệp châu Âu, môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, cùng với vị trí địa lý chiến lược và lực lượng lao động trẻ, năng động, là yếu tố then chốt trong việc thu hút đầu tư từ châu lục.

Mức thặng dư thương mại của Việt Nam với EU đã tăng liên tục trong hai thập kỷ qua, từ mức 1,3 tỷ USD năm 2002 lên đến 34,3 tỷ USD vào năm 2023. Kim ngạch thương mại cũng chứng kiến sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu trong những năm qua với mặt hàng như dệt may, giày dép, hải sản, cà phê, và máy tính, điện tử.

Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của EU và Việt Nam trong năm 2023 đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022 do tác động của tình hình thế giới, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam.

Khẳng định quan hệ Việt Nam - EU

Đặc biệt, kể từ khi EVFTA có hiệu lực năm 2020, thương mại và đầu tư từ châu Âu đã tăng vọt nhờ các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo – hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong lhợp tác kinh tế giữa hai bên.

Báo cáo này cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục được doanh nghiệp châu Âu coi trọng trong tương lai

Báo cáo này cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục được doanh nghiệp châu Âu coi trọng trong tương lai

>>Xung đột Trung Đông phủ "bóng đen" hành lang kinh tế Ấn Độ - châu Âu

Bất chấp nền kinh tế sụt giảm trong năm 2023, dòng vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam vẫn gia tăng trong năm. Đức – nền kinh tế hàng đầu của khối -  đầu tư khoảng 366 triệu USD vào Việt Nam, tăng mạnh so với năm 2022.

Vai trò của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh của EU rất đáng chú ý, đặc biệt với sáng kiến Cổng toàn cầu tập trung đầu tư vào ASEAN để chuyển đổi xanh và kết nối bền vững. Tiềm năng của Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm cần thiết cho công nghệ sạch giúp Việt Nam trở thành nước đóng vai trò chủ chốt trong việc đa dạng hóa và ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngay trong Sách Trắng 2024, các doanh nghiệp châu Âu thừa nhận thị trường Việt Nam đầy hứa hẹn trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, khi nhu cầu chuyển đổi xanh của Việt Nam được cho là phù hợp với chuyên môn và công nghệ của Châu Âu. Ngoài ra, thị trường tiêu dùng đang phát triển ở Việt Nam, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, mang lại tiềm năng to lớn cho hàng hóa tiêu dùng, công nghệ và dịch vụ cho doanh nghiệp EU.

Tầm nhìn của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế xanh thu hút sự chú ý của quốc tế

Tầm nhìn của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế xanh thu hút sự chú ý lớn của quốc tế

Dù vậy, không thể phủ nhận những thách thức còn đó phần nào cản trở dòng đầu tư FDI lớn hơn, chẳng hạn như các rào cản pháp lý và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng. Báo cáo “Sách trắng 2024” của EuroCham Việt Nam đã nêu ra một số thách thức chính, bao gồm các rào cản pháp lý, tình trạng quan liêu hay độ minh bạch và nhất quán hơn trong việc thực hiện chính sách. Những vấn đề này đang là những rào cản chính mà các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt khi tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam.

Quan điểm chung của các doanh nghiệp EU nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, nếu muốn hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư, các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục thuế và hải quan cũng như việc thực thi các quy định từ phía Việt Nam phải được quan tâm hơn.

Tâm lý lạc quan của doanh nghiệp EU về thị trường Việt Nam có thể là "tia sáng" trong triển vọng tiêu cực của nền kinh tế thế giới. Việt Nam vẫn sẽ là đối tác chiến lược và quan trọng của EU ở Đông Nam Á, là một phần trong các chiến lược rộng lớn hơn của liên minh, như Cửa ngõ toàn cầu và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đặc biệt, Việt Nam cũng rất coi trọng mối quan hệ với EU, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trong các vấn đề khu vực như tự do hàng hải, được cho là những động lực để thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam – EU trong những năm tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Âu vẫn

    Châu Âu vẫn "loay hoay" giải quyết bài toán lạm phát

    03:00, 08/01/2024

  • Bỏ hàng triệu USD thu hồi carbon, châu Âu loay hoay tìm kho chứa

    Bỏ hàng triệu USD thu hồi carbon, châu Âu loay hoay tìm kho chứa

    04:00, 28/12/2023

  • Pháp - Đức: Hai thái cực đối lập của châu Âu trong 2023

    Pháp - Đức: Hai thái cực đối lập của châu Âu trong 2023

    04:00, 27/12/2023

  • Châu Âu

    Châu Âu "chật vật" đi tìm động lực tăng trưởng

    03:30, 23/12/2023

  • Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ

    Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ "đổ bể"

    04:00, 17/12/2023

TRƯỜNG ĐẶNG