Trong khi nền kinh tế Pháp thể hiện khả năng phục hồi tích cực, thì động cơ tăng trưởng của Đức dường như đang ngày càng yếu ớt.
Sự tương phản giữa nền kinh tế Pháp và Đức hiếm khi nào rõ ràng như vậy trong năm 2023. Giữa "bóng ma" suy thoái toàn cầu, trong khi Paris tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đáng kinh ngạc và ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thì Đức đang gặp khó khăn.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với thu hẹp tăng trưởng GDP (dự báo ở mức -0,6%) trong năm nay. Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng gần đây cũng phủ thêm bóng đen lên triển vọng kinh tế nước này.
>>Châu Âu "chật vật" đi tìm động lực tăng trưởng
Nền kinh tế Pháp đã thể hiện khả năng phục hồi vượt trội trong đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022. Trong hai năm qua, Pháp đã tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn gấp đôi so với Đức.
Ngược lại, khả năng cạnh tranh suy giảm của Đức đã buộc nước này phải dựa vào các khoản trợ cấp đáng kể để thu hút các nhà đầu tư quốc tế và hỗ trợ ngành công nghiệp của chính mình. Do đó, trong khi Pháp dự kiến sẽ tăng trưởng 1% vào năm 2023 thì GDP của Đức dự kiến sẽ giảm, tiếp theo là mức tăng trưởng tối thiểu vào năm 2024.
Những quỹ đạo khác nhau này có thể được quy cho ba yếu tố chính. Thứ nhất, Tổng thống Emmanuel Macron đặt ra các ưu tiên rõ ràng và thực hiện các biện pháp mới một cách nhanh chóng. Điều này đã cho phép ông Macron theo đuổi những cải cách lớn đối với hệ thống lương hưu và thị trường lao động của Pháp, hợp lý hóa các quy định hiện hành và thiết lập các mục tiêu chính sách công nghiệp táo bạo hiện đang bắt đầu mang lại lợi nhuận đáng kể, bao gồm cả tỷ lệ thất nghiệp giảm đều đặn.
Trong khi đó, Đức vẫn đang vật lộn với bế tắc chính trị kể từ khi bà Angela Merkel từ nhiệm. Liên minh cầm quyền bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do đang chịu nhiều sức ép. Các nhà phân tích chỉ ra sự chia rẽ sâu sắc về ý thức hệ đã dẫn đến sự bế tắc chính trị có nguy cơ làm tê liệt đất nước, thể hiện qua tranh cãi trong chính phủ nhằm hoàn tất ngân sách năm 2024.
Bên cạnh đó, hệ thống liên bang phức tạp của Đức, nổi tiếng với cơ chế kiểm tra và cân bằng mạnh mẽ, được thiết kế để củng cố các nguyên tắc dân chủ và ngăn chặn sự quay trở lại của chủ nghĩa độc tài. Vì vậy, nó ưu tiên sự ổn định hơn tốc độ và tính linh hoạt, theo ông Marcel Fratzcher, một cựu Giám đốc thuộc ECB. Theo ông, cơ chế này hiện đang gây thiệt hại cho nền kinh tế trong bối cảnh Đức cần khẩn trương thực hiện các cải cách lớn về pháp lý, tài chính, công nghiệp và thương mại.
Một sự khác biệt quan trọng khác giữa Pháp và Đức nằm ở cách tiếp cận khác nhau của họ đối với độ mở kinh tế.
Mô hình kinh tế thời hậu chiến của Đức phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, hiện chiếm gần một nửa tổng sản lượng kinh tế của cả nước. Các chính sách kinh tế và tài chính của Đức trong lịch sử luôn ưu ái lĩnh vực công nghiệp, từ ô tô đến hóa chất và cơ khí. Tỷ trọng sản lượng kinh tế của khu vực công nghiệp, hiện gần gấp đôi so với Pháp. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu thế giới sụt giảm, đặc biệt là đối tác Trung Quốc của Đức, hướng đi này bộc lộ những khiếm khuyết.
Hoạt động kinh tế phần nào hé lộ những căng thẳng trong quan hệ Đức – Pháp trong năm qua. Các mối bất hòa giữa Paris và Berlin ngày càng nhiều liên quan tới chiến lược chung của EU hay riêng, từ các chương trình quốc phòng của khối, chính sách năng lượng hạt nhân hay quan hệ với Trung Quốc.
Tầm nhìn khác nhau về thế giới cũng gây ra căng thẳng giữa hai nước. Ông Macron theo đuổi chiến lược “Tự chủ chiến lược”, kêu gọi châu Âu không phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài. Điều này mâu thuẫn với sự phụ thuộc của Đức vào Mỹ.
>>"Hé lộ" bức tranh kinh tế châu Âu năm 2024
Với Trung Quốc, Đức vẫn duy trì theo đuổi khái niệm "thay đổi thông qua thương mại", kỳ vọng rằng quan hệ thương mại với Trung Quốc có thể ngăn ngừa xung đột. Trong khi đó, Pháp ủng hộ cách tiếp cận quyết đoán hơn và là người đi đầu trong cuộc điều tra chống bán phá giá xe điện của Trung Quốc mà EU khởi xướng vừa qua.
Đây không phải là tín hiệu tốt cho EU trước khi bước sang năm 2024. Theo các chuyên gia, hai nước cần nhìn nhận họ đều bị đe dọa bởi sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. "Để duy trì tăng trưởng kinh tế, cả hai nước phải từ bỏ các chính sách kinh tế và tài chính mang tính định hướng quốc gia và cùng hợp tác để cải cách và củng cố EU. Chỉ cuộc cải cách mới nhất từ Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng là không đủ để thúc đẩy đầu tư và chuyển đổi nền kinh tế châu Âu", ông Marcel Fratzcher cho biết.
Đặc biệt, với trọng tâm AI và dịch vụ kỹ thuật số, nền kinh tế Pháp và Đức được cho đều thiếu quy mô cần thiết để cạnh tranh hiệu quả với Mỹ hay Trung Quốc. Do đó, ông Fratzcher cho rằng sẽ là “khôn ngoan” nếu hai nước đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi sự thịnh vượng của hai nước đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy vị thế mọi mặt của châu Âu.
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ "đổ bể"
04:00, 17/12/2023
Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?
03:00, 15/12/2023
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam "mở khóa" trí thức người Việt tại châu Âu
14:07, 12/12/2023
Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu
03:00, 12/12/2023
"Phiêu lưu" năng lượng, châu Âu trả giá đắt!
04:30, 09/12/2023
Trung Quốc đã "đánh mất" châu Âu như thế nào?
04:00, 25/11/2023