WEF Davos 2024: Thúc đẩy hợp tác quản lý AI
Các đại biểu tham gia WEF Davos 2024 cho rằng cần có chính sách để tận dụng AI cho lợi ích xã hội, đồng thời quản lý các thách thức pháp lý và tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực khác.
>> Tái thiết niềm tin nhìn từ WEF Davos 2024
AI và cách thức quản lý AI đã được đưa ra thảo luận trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos năm nay.
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết: “Thế giới phải tính đến tất cả các lợi ích và cả những hậu quả không lường trước được mà bất kỳ công nghệ mới nào cũng có thể tạo ra, thay vì chờ đợi những hậu quả không lường trước xuất hiện rồi mới giải quyết chúng. Chủ động quản lý rủi ro từ AI là điều nên làm.”
Ông nói thêm rằng, ông không muốn có sự kiểm soát lớn hơn đối với OpenAI khi các nhà quản lý châu Âu và Vương quốc Anh xem xét các cuộc điều tra về mối quan hệ sâu sắc giữa Microsoft và OpenAI.
“Điều chúng tôi chỉ muốn là sự ổn định”, ông Nadella đề cập đến các quy định và cơ chế quản lý AI đang được nhiều quốc gia và khu vực xem xét, chẳng hạn như Đạo luật AI của EU, quy tắc ứng xử được thiết lập tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Hiroshima và Cơ quan Cố vấn AI của Liên Hợp Quốc được thành lập vào tháng 10/2023.
Trong bài phát biểu tại WEF Davos 2024, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh những rủi ro mà AI gây ra đối với nhân quyền, quyền riêng tư cá nhân và xã hội, cũng như kêu gọi khu vực tư nhân phối hợp cùng các bên liên quan để phát triển mô hình quản trị "kết nối và thích ứng" cho AI.
Ông cho biết: “Chúng tôi cần các chính phủ khẩn trương hợp tác với các công ty công nghệ về khuôn khổ quản lý rủi ro cho sự phát triển AI, cũng như giám sát và giảm thiểu tác hại trong tương lai”, đồng thời ông Guterres nói thêm rằng thế giới cần tăng cường khả năng tiếp cận AI để các nền kinh tế đang phát triển có thể khai thác tiềm năng to lớn của nó. Chúng ta cần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số thay vì làm nó sâu sắc hơn.
>> Điều gì sẽ làm “nóng” Diễn đàn DAVOS?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết gần 40% người có việc làm trên thế giới tiếp xúc với AI, con số này tăng lên 60% ở các nền kinh tế tiên tiến.
Nhiều chính phủ cũng nhận ra rằng cần phải có quy định để quản lý lĩnh vực mới này. Vào tháng 12/2023, Liên minh Châu Âu đã dẫn đầu nỗ lực này khi tạm thời thông qua luật AI. Các quốc gia trên thế giới cũng nhanh chóng khám phá các quy định và cách thức quản trị AI. Nhiều phiên thảo luận tại WEF Davos đã trao đổi về các quy định cũng như cách thức hợp tác giữa các nhà lãnh đạo toàn cầu và các công ty công nghệ.
Ông Vera Jourova, Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu về giá trị và tính minh bạch cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy AI có tính sáng tạo trong các mô hình nền tảng của Chat GPT. Điều đó đã thôi thúc EU cùng với các nhà lập pháp của khối soạn thảo các điều khoản trong đạo luật AI. Mặc dù việc điều chỉnh vẫn đang tiếp diễn, nhưng tôi tin rằng đạo luật AI sẽ có hiệu lực."
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều chỉnh và quản lý AI, nhưng Brad Smith, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc pháp lý của Microsoft đánh giá, ông mong đợi sự hội tụ nhiều hơn trong tương lai. “Sẽ không có một thế giới không có sự khác biệt, nhưng mọi người thực sự quan tâm đến nhiều điều giống nhau và sẽ có những cách tiếp cận tương tự để giải quyết chúng”, ông Smith nhấn mạnh.
Ông Smith cũng chỉ ra: “Có rất nhiều luật hiện hành trên khắp thế giới không nhất thiết phải được viết cho AI nhưng chúng hoàn toàn có thể áp dụng được cho AI như các đạo luật về quyền riêng tư, quy tắc an ninh mạng, an toàn kỹ thuật số, luật bảo vệ trẻ em và người tiêu dùng, luật cạnh tranh...”
Trích dẫn Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Châu Âu (GDPR), quy tắc ứng xử của G7 và Liên Hợp Quốc, ông Smith nói: "Mọi người có thể cho rằng với GDPR, chính Châu Âu đặt ra các quy tắc cho thế giới. Nhưng lần này, Mỹ vẫn chưa áp dụng luật về quyền riêng tư và có một số quốc gia đang thảo luận với nhau và học hỏi lẫn nhau về cách thức quản lý AI. Và điều đó tốt cho thế giới."
Tương tự, bà Josephine Teo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết, cần phải có các quy tắc quốc tế để quản lý AI. Bà cũng nhắc tới cách tiếp cận của Trung Quốc khi nước này đang là 1 trong những trung tâm phát triển AI hàng đầu thế giới.
Các chuyên gia tại WEF Davos đồng thuận rằng, dù còn rất nhiều lo ngại về nguy cơ và thách thức, nhưng AI đang được coi là động lực thúc đẩy cho phát triển kinh tế và xã hội. Vì vậy, cần có chính sách để tận dụng AI cho lợi ích xã hội, đồng thời quản lý các thách thức pháp lý và tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực khác như 5G, 6G và điện toán lượng tử.
Có thể bạn quan tâm
Tái thiết niềm tin nhìn từ WEF Davos 2024
13:30, 16/01/2024
Trung Quốc củng cố niềm tin tại WEF Davos 2023
03:30, 28/06/2023
Điều gì sẽ làm “nóng” Diễn đàn DAVOS?
04:30, 15/01/2024
Lộ diện ngành kinh tế mới đem lại hàng trăm tỷ USD cho Trung Quốc
03:00, 21/01/2024
Sàn thương mại điện tử Việt “lép vế”, cần ứng phó thế nào?
02:00, 21/01/2024