Xây dựng thương hiệu "mở khóa" cho hàng Việt trên thị trường quốc tế
Thương mại điện tử mở ra cho các mặt hàng Việt Nam nhiều cơ hội lớn, nhưng để đón nhận những cơ hội đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu bài bản để nâng cao chất lượng ngay từ vấn đề thương hiệu.
Giữa những bất ổn của thương mại truyền thống, thương mại điện tử đóng một vai trò ngày càng nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu. Trong lĩnh vực B2C, thị trường ước tính đạt 4.398,9 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ CAGR dự kiến là 9,7% từ năm 2023 đến năm 2030.
>>Bán lẻ Việt hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Dù Mỹ và Trung Quốc là những thị trường sôi động hàng đầu, Đông Nam Á cũng đang nổi lên như một "ông lớn" khác của ngành mua sắm trực tuyến với dân số khoảng 690 triệu người tiêu dùng trẻ tuổi, trong đó phần lớn am hiểu công nghệ.
“Rất nhiều giao dịch thương mại xuyên biên giới mà bạn đang thực sự thấy đều đến từ những người trẻ và những người am hiểu kỹ thuật số. Từ năm 2021 đến năm 2022, tỷ lệ thế hệ Millennials mua sắm trực tuyến đã thực sự tăng lên nhanh chóng”, ông Randolph Ng, Tổng giám đốc Khách hàng mới Khu vực Asian Australia và Ấn Độ, Google châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại Diễn đàn Vietnam Brand Scale Up mới đây.
Với thế hệ trẻ kỹ thuật số, ý thức về giá trị thực sự của sản phẩm rất khác so với mua sắm truyền thống. Ở đó, họ không chỉ tiếp cận những mặt hàng giá cả phải chăng hơn, mà còn có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn hoặc an toàn hơn những gì họ có thể nhận được ở thị trường nội địa.
Việt Nam đã sẵn sàng cho cơ hội lớn?
Việt Nam chỉ xếp sau Singapore trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu hàng đầu ASEAN. Thậm chí khi xét tới lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ, Việt Nam đứng ngang bằng với một số nền kinh tế lớn như Nhật Bản hay Đức. Nhưng vấn đề thương hiệu sản phẩm Việt vẫn đang là rào cản để hàng hóa nước ta đạt giá trị cao hơn.
>>Sàn thương mại điện tử Việt “lép vế”, cần ứng phó thế nào?
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Bà Trần Tuệ Tri, Cố vấn thương hiệu của Vietnam Brand Purpose, cho rằng Việt Nam có rất nhiều mặt hàng có chất lượng tốt, đa dạng và độc đáo về mặt bản sắc nhưng chưa xây dựng được yếu tố “thương hiệu” một cách thống nhất, đồng bộ trên phạm vi và quy mô lớn. Điều này không chỉ khiến hàng hóa quốc gia mất đi lợi ích kinh tế trong cạnh tranh, mà còn lãng phí một kênh truyền bá văn hóa Việt ra thế giới.
Nhận thức được vấn đề này, nhiều địa phương và các chuyên gia đã nghiên cứu các sáng kiến nhằm tháo nút thắt này để khai mở các tiềm năng của hàng xuất khẩu Việt Nam thông qua thương mại điện tử. Tại Diễn đàn "Thương hiệu TP.HCM - Đổi mới và bền vững hướng ra thị trường quốc tế” mới được tổ chức tại Tp.HCM, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Theo ông Randoph Ng, trong bối cảnh thị trường toàn cầu khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường thì đây là thời điểm vàng để các thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng khả năng phục hồi và bắt đầu xuất khẩu và chinh phục thị trường thế giới.
Bằng các chiến lược vững vàng, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có khả năng chớp lấy thời cơ giữa sự bùng nổ của thương mại xuyên biên giới – lĩnh vực dự kiến sẽ tăng trưởng 15% mỗi năm trong vòng nửa thập kỷ tới.
Giải pháp mở rộng thương hiệu sản phẩm
Tại sự kiện, chuyên gia từ Google gợi ý 3 vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm để đẩy mạnh thương hiệu. Trước hết, đó là việc chú ý hơn tới hoạt động đa kênh, đặc biệt là xây dựng các kênh kết nối trực tiếp người tiêu dùng, chứ không đơn thuần chỉ có trên các sàn TMĐT như trước đây. Thứ hai, cần tận dụng marketing trên các nền tảng kỹ thuật số (như Google) để đem lại lợi thế cạnh tranh. Cuối cùng, đó là việc củng cố năng lực hậu cần quốc tế, thanh toán xuyên biên giới, bán hàng và hậu mãi xuyên quốc gia - là yếu tố mà ông Randoph Ng cho là cần thiết để doanh nghiệp Việt trở thành “một nhà xuất khẩu thành công”.
Tương tự, bà Trần Tuệ Trị, tác giả cuốn sách "Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng" và là một chuyên gia thương hiệu quốc tế, cho rằng thương hiệu TP HCM cũng như thương hiệu của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu bài bản từ ý tưởng cho tới phát triển sản phẩm, từ đó xây dựng nhận diện thương hiệu và đề ra chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế.
Truyền tải thông điệp bền vững cũng là một yếu tố góp phần nâng cao thương hiệu trong bối cảnh mới. Dữ liệu của Kantar Việt Nam cho thấy các nhóm khách hàng mới như Gen Z hay Millennials có tỷ lệ chuyển hóa từ nhận thức tới hành vi mua sắm cao đối với các sản phẩm có tính bền vững – một đặc tính mà các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tận dụng.
“Để thành công, doanh nghiệp cần hiểu khách hàng và phân khúc thị trường của sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của mình. Với giải pháp hướng đến những thị trường mục tiêu cụ thể, doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng”, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế khó khăn, sàn thương mại điện tử Mỹ đang thoái trào?
04:30, 06/08/2023
Trung Quốc: Mô hình đặc biệt cho thương mại điện tử
06:00, 04/05/2020
Omise "ông trùm" bí ẩn của nền thương mại điện tử Thái Lan
07:00, 30/03/2020
Facebook “phả hơi nóng” vào sàn thương mại điện tử
13:00, 11/03/2020
Thương mại điện tử châu Á sẽ bùng nổ trong năm 2020?
06:22, 06/12/2019