Bàn cờ thế cuộc mới
Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị hiện nay đặt ra những thách thức lớn với cán cân quyền lực toàn cầu.
Thực trạng này khiến các siêu cường phải tìm cách định hình lại trật tự thế giới mới, và phần còn lại cũng phải tìm cách thích ứng, tránh bị lôi kéo vào xung đột.
>> "Hé lộ" tham vọng lớn của BRICS+
Đoạn cuối của chu kỳ
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này đã chứng kiến cuộc chuyển dịch từ Tây sang Đông với quy mô chưa từng có, làm tăng thêm bất ổn trong các mối quan hệ quốc tế đương đại. Không còn nghi ngờ gì nữa với mệnh đề “thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương”.
Châu Âu từng là trung tâm quyền lực nay đã giảm dần sức ảnh hưởng, không còn khả năng để một lần nữa trở lại thời hoàng kim. Trong khi đó, nước Nga đang khao khát phục hưng chính mình. Tuy rằng, lãnh đạo đương thời của Nga bỏ qua một thực tế - quyền lực đang thuộc về thế lực nằm ngoài lục địa Á – Âu.
Khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng, vị trí đầu tàu của Nga trong Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU) bị thu hẹp; quyền lực của Mỹ bị thách thức. Bắc Kinh ngày càng tham gia rộng và sâu hơn vào diễn biến quốc tế thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Qua đó, cường quốc châu Á cung cấp cho thế giới một lựa chọn khác ngoài Âu - Mỹ.
Đối mặt với các diễn biến bất lợi, manh nha thách thức vai trò lãnh đạo tuyệt đối của mình, nước Mỹ rốt ráo tìm cách trì hoãn đối thủ. Washington đưa ra “cây gậy” - “tương kế” cuộc chiến ở Ukraine để “tựu kế” kìm hãm Nga, buộc chặt châu Âu. Không những thế, Mỹ còn dùng thương mại, công nghệ, nhân quyền, địa chính trị để tấn công Trung Quốc. Xu hướng này sẽ quyết liệt hơn trong năm 2024.
Đồng thời, “củ cà rốt” đã được Mỹ chìa ra. Mỹ đang nỗ lực quy nạp Nga vào một phương Tây rộng lớn hơn, đồng thời theo đuổi tầm nhìn địa chính trị chiến lược bao gồm hợp tác Mỹ, Trung và Nga - bằng một luật chơi do Mỹ và đồng minh làm trọng tài.
Quá trình phân định lại quyền lực giữa các siêu cường đã nảy sinh nhiều hệ lụy, trong đó đáng chú ý là chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas, Trung Đông chìm trong bạo lực,… Ngoài ra còn có nguy cơ mâu thuẫn rạn nứt các khối quốc gia hình thành trên địa lý tự nhiên ở châu Âu, Trung Á, Đông Nam Á, Bắc Phi và Nam Mỹ khi các siêu cường tìm đến xác lập ảnh hưởng.
>> Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới
Cuộc khủng hoảng kinh tế- chính trị hiện nay vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của tiến trình tái cấu trúc trật tự toàn cầu. Trong đó, những “lá bài” như chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chất bán dẫn, chuỗi cung ứng mới, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… đóng vai trò là nguyên liệu để dựng lên trung tâm quyền lực mới.
Đơn cực hay đa cực?
Trả lời câu hỏi này sẽ góp phần sáng tỏ một nút thắt mang tính toàn cầu, liên quan trực tiếp đến chiến lược và tham vọng của mỗi quốc gia: Cấu trúc trật tự mới sẽ phân bổ quyền lực đồng đều hơn, hay vẫn chỉ là mô hình “một số quyết định đại đa số”. Điều này trước hết thuộc về trách nhiệm của các siêu cường.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục theo đuổi triển vọng thịnh vượng chung, thực chất, ủng hộ sự ổn định thay vì xung đột. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh không nên tiếp tục bày tỏ sự trung lập hình thức trước những vấn đề toàn cầu hệ trọng, mà cần có tiếng nói xác quyết của họ.
Với Nga, công cuộc tìm kiếm ảnh hưởng ở Đông Âu hiện nay chỉ có hai lối thoát: Hoặc Nga thất bại và để lại mớ hỗn độn ở châu Âu, hoặc có thể trở thành cường quốc ổn định, nắm một cực đối trọng trong trật tự thế giới mới. Các nhà phân tích chính trị nhận định kịch bản thứ hai là khả thi.
Các hành động quốc tế vồn vã của Washington trong vài năm gần đây ngầm khẳng định vị thế của họ bị “lung lay”. “Cỗ máy kinh tế” của Mỹ bắt đầu già nua, mánh lới của giới tư bản điển hình thao túng nền chính trị vốn được ngợi ca là chuẩn mực. Và trong nhiều lĩnh vực, Mỹ không còn là duy nhất.
Zbigniew Brzezinsky, Giáo sư Đại học John Hopskin, Cố vấn an ninh quốc gia dưới hai đời Tổng thống Jimmy Carter và Tổng thống Lyndon Johnson, thừa nhận và khuyến cáo: “Sự suy yếu của Mỹ và những sự kiện xảy ra sau đó là không thể tránh khỏi. Ngày nay, thế giới vẫn cần đến - không chỉ là sự bằng lòng của Mỹ với các vấn đề quốc tế mà còn là một siêu cường thức tỉnh nhận ra bản chất phù du của vị thế đứng đầu và do đó tìm cách phát triển một trật tự thế giới đa cực hơn”.
Thật thất vọng là quyền lực tối cao không bao giờ được chia đều, trừ khi loài người đạt đến trình độ phát triển dẫn tới “sự tiêu biến của nhà nước” như dự báo của Karl Marx. Như vậy, bàn cờ thế cuộc mới đang bắt đầu với hàng loạt sự chuẩn bị từ các nước, vô vàn cuộc cạnh tranh để giành một “ghế” quan trọng hơn.
Có thể thấy rằng, với các quốc gia, sự thức thời hiện nay là khát vọng lớn của đội ngũ lãnh đạo tối cao, biết cách tích góp tiềm lực nội tại; sở hữu tài sản ngoại giao đa phương, phong phú, đủ uy tín để “chơi” với tất cả các cường quốc.
Có thể bạn quan tâm
Bàn cờ thế cuộc hậu bầu cử Mỹ
16:00, 30/10/2020
Bàn cờ thế cuộc hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều
22:16, 06/03/2019
“Hé lộ” các kịch bản kinh tế thế giới năm 2024
04:30, 22/01/2024
Mỹ "thổi cơn gió ngược" vào triển vọng kinh tế thế giới
03:00, 15/01/2024
Ba mối nguy với kinh tế thế giới năm 2024
03:00, 02/01/2024
Kinh tế thế giới năm 2024 sẽ ra sao?
03:00, 01/01/2024