Kinh tế thế giới năm 2024 có thể sẽ tiếp tục suy yếu vì hiệu ứng lãi suất cao vẫn còn, nhưng chỉ chịu ít rủi ro.
>> “Vén màn” bức tranh kinh tế toàn cầu 2024
Việt Nam là một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới, nên cũng sẽ chịu tác động trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại và có thể có còn chịu những tác động địa chính trị trên thế giới.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo sẽ giảm xuống 1,7%; kinh tế Trung Quốc chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 3%; kinh tế châu Âu vẫn còn gặp khó khăn… Với triển vọng như vậy, chúng ta có thể dự báo rằng nền kinh tế thế giới trong năm 2024 sẽ không xảy ra biến cố tiêu cực đáng lo ngại nào. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn bị kìm hãm do lãi suất của USD và Euro vẫn được duy trì cao và hiệu ứng của nó chưa hết năm 2024.
Tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,7% so với mức 2,9% trong năm 2023 và 3,5% của năm 2022 trước khi tăng trở lại mức 3% trong năm 2025, theo dự báo mới nhất của OECD hồi 11/2023 và IMF vào tháng 7/2023.
Tóm lại, nền kinh tế thế giới sẽ có một năm 2024 tăng trưởng thấp và khá bình lặng vì ít rủi ro. Mỹ (và EU) có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thế giới, trong khi Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và suy giảm tăng trưởng.
Xung đột Israel-Hamas nổ ra đầu tháng 10/2023 gây lo ngại sẽ làm tăng giá dầu vì những gián đoạn tiềm năng đối với nguồn cung dầu đi qua Vùng Vịnh Péc-xíc. Tuy nhiên, lo ngại này cho đến nay vẫn không xảy ra. Những nguyên nhân lý giải hiện tượng này gồm:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu kém năm 2023 khiến cầu về dầu lửa giảm sút.
Thứ hai, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới hiện nay đang phải đối mặt với sự sụt giảm tăng trưởng đáng lo ngại, càng khiến kỳ vọng tăng giá dầu chịu sức ép lớn.
>> Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu?
Thứ ba, việc Trung Quốc (và Ấn Độ) tranh thủ nhập dầu của Nga giá rẻ do Nga bị cấm vận quốc tế vì cuộc chiến ở Ukraine có lẽ cũng làm cạn kiệt khả năng tồn kho của họ, khiến hai nước này khó tăng thêm mua vào. Trung Quốc nhập dầu từ Nga tăng 25% trong năm 2023 đạt mức 75 triệu tấn tính đến tháng 9/2023, so với mức tăng 28% và 89 triệu thùng trong cả năm 2022.
Giá dầu giảm, cùng sự quyết liệt của FED và ECB đã khiến lạm phát được kiểm soát trong năm 2023 dù vẫn còn ở trên mức mục tiêu của FED và ECB là 2%/năm. Cả FED và ECB vẫn cho thấy họ quyết giữ lãi suất cho tới khi đạt được mức lạm phát mục tiêu. Kết quả là lạm phát vẫn tiếp tục giảm trong năm 2024. Mặt khác, chính tăng trưởng toàn cầu giảm sút trong năm 2024 cũng là tác nhân khiến lạm phát giảm. Theo dự báo của OECD thì lạm phát toàn cầu trong năm 2024 sẽ ở mức 5,2% năm so với mức 7% của cả năm 2023.
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào bên ngoài với tổng kim ngạch thương mại năm 2022 hơn 730 tỷ USD, gần gấp đôi GDP cùng năm là hơn 408 tỷ USD. Dòng FDI cũng là lực lượng lớn trong việc tạo ra GDP và thương mại.
Tổng FDI vào Việt Nam tính đến 2022 lên tới 524 tỷ USD (từ mức 2 tỷ USD năm 1998), đóng góp 18,7% GDP và 35,3% việc làm dù chỉ chiếm 3,1 số doanh nghiệp. Năm 1995, FDI chỉ chiếm 27% thương mại thì năm 2022 lực lượng này chiếm tỷ trọng tới hơn 74,4% xuất khẩu và 65,1% nhập khẩu của Việt Nam. Quan trọng, lực lượng này chiếm gần như tuyệt đối 98% những mặt hàng công nghiệp chế tạo quan trọng và công nghệ cao như máy tính, điện tử, máy móc, thiết bị và phụ tùng.
Do phụ thuộc vào bên ngoài, về cơ bản, nền kinh tế Việt Nam bị tác động theo hai hướng: Một mặt, xuất khẩu giảm sút vì thị trường chủ yếu là Mỹ và EU thu hẹp; mặt khác, và tồi tệ hơn, xuất khẩu giảm vì sự liên quan và/hay lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Mỹ và EU áp dụng Đạo luật chống Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ (UFLA) từ tháng 6/2022. Đạo luật này buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam và thế giới phải chứng minh nguồn gốc sản phẩm không được liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam bị mất đơn hàng vì không thể đáp ứng được đòi hỏi này.
Ngày 22/11/2023, Mỹ cho biết đã có hơn 1.000 lô hàng từ Việt Nam có liên quan đến đạo luật trên đã bị cấm nhập vào Mỹ, trong đó bao gồm hàng nguyên liệu công nghiệp, sản phẩm điện tử, dệt may và giày da, tấm pin điện mặt trời… Điều này cho thấy rằng nếu không có phản ứng và thay đổi thích hợp thì tình hình thương mại và tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 có thể gặp khó khăn hơn.
Một vấn đề nữa là phần lớn các cơ sở sản xuất xuất khẩu ở Việt Nam lại thuộc sở hữu của người Trung Quốc, đặc biệt là khu vực dệt may và da giày. Do đó, làm thế nào để chuyển đổi nguồn cung nhằm tránh đạo luật UFLPA là rất khó.
Trong khi đó, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện là một bước đi đúng đắn đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư công nghệ cao từ Mỹ, mở ra triển vọng đầu tư mới và việc làm trong tương lai. Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực từ yếu này khó có thể đến trong ngắn hạn. Do đó, Việt Nam cần phải thay đổi nguồn cung nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU. Nếu điều này không thực hiện được sớm, tăng trưởng, thương mại và việc làm trong năm 2024 sẽ gặp khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Những tác động tới kinh tế thế giới 2024
03:00, 27/12/2023
Kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm 2024?
04:30, 07/12/2023
"Hé lộ" áp lực kép với kinh tế thế giới
03:00, 11/11/2023
Nâng cao năng suất lao động: Bài 4 - Bài học từ kinh tế thế giới
03:35, 04/11/2023
Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu?
03:30, 10/11/2023
Điều kiện kinh tế toàn cầu, thanh khoản, tỷ giá và những tác động ngắn hạn
04:25, 04/11/2023