Vì sao IMF nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024?

TRƯỜNG ĐẶNG 01/02/2024 04:00

Với những tín hiệu sáng hơn từ nền kinh tế Mỹ cũng như động lực tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi, IMF mới đây đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2024 lên 3,1%.

IMF tăng triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024

IMF tăng triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024. Theo đó, GDP toàn cầu dự báo tăng 0,2 điểm phần trăm, nâng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến lên 3,1%. Sự điều chỉnh này phản ánh bức tranh tươi sáng hơn của nền kinh tế toàn cầu dựa trên động lực chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi.

>>10 vấn đề lớn cần lưu ý trong năm 2024

Khả năng phục hồi “sáng" hơn

Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý. Bất chấp những thách thức từ hậu quả của đại dịch hay những cuộc chiến tranh đang gây ra, lạm phát vẫn giảm đều đặn và tăng trưởng vẫn duy trì. Theo IMF, dù tốc độ tăng trưởng vẫn sẽ chậm chạp và rủi ro là không thể tránh khỏi, nhưng cơ hội “hạ cánh mềm” đã tăng lên.

Nền kinh tế Mỹ, động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, đã vượt xa kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng GDP liên tục cao hơn dự báo, cụ thể thị trường việc làm mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp chạm mức thấp lịch sử, chi tiêu tiêu dùng vẫn ở mức cao,...

Các chuyên gia như James Knightley, Chuyên gia kinh tế quốc tế trưởng tại ING, cho rằng “khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, được hỗ trợ bởi niềm tin và chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng, là yếu tố chính trong sửa đổi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF”.

Các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil cũng đã cho thấy mức tăng trưởng đáng chú ý. GDP của Ấn Độ dự kiến vào khoảng 7% trong năm nay - là một trong những mức cao nhất trên toàn cầu. Nền kinh tế Brazil, được thúc đẩy nhờ xuất khẩu hàng hóa và cải cách nội bộ, dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 2,5% năm 2024. Những con số này nêu bật sự đóng góp ngày càng tăng của các thị trường mới nổi vào sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Điểm nhấn khác cho luận điểm của IMF là Trung Quốc – nơi các biện pháp kích thích tài chính như cắt giảm thuế và tăng đầu tư công đang đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế trong nước. Cách tiếp cận chủ động của chính phủ Trung Quốc nhằm quản lý tình trạng suy thoái kinh tế đã được các chuyên gia như Linda Yueh, thành viên kinh tế tại Đại học Oxford, ca ngợi.

Bà lưu ý: “Các biện pháp tài chính có mục tiêu của Trung Quốc không chỉ hỗ trợ tăng trưởng trong nước mà còn giảm thiểu nguy cơ tác động lan tỏa đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu."

Với cách tiếp cận của Trung Quốc, nhu cầu hàng hóa của thế giới được kỳ vọng sẽ hồi phục khi nhiều quốc gia sẽ tham khảo giải pháp tăng chi tiêu chính phủ và tư nhân mạnh hơn, bất chấp điều kiện tiền tệ thắt chặt. Về phía cung, sự tham gia của lực lượng lao động tăng lên, chuỗi cung ứng được khơi thông và giá năng lượng, hàng hóa rẻ hơn được kỳ vọng sẽ giúp ích bất chấp những bất ổn địa chính trị mới xuất hiện.

Khu vực đồng Euro dự kiến cũng sẽ phục hồi nhẹ sau năm 2023 đầy thử thách bởi giá năng lượng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Ở châu Phi cận Sahara, kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn do tác động tiêu cực của những cú sốc thời tiết trước đó giảm bớt và các vấn đề về nguồn cung dần được cải thiện.

>>Doanh nghiệp cần ứng phó thế nào trong thế giới bất định?

Vẫn còn hoài nghi

Mặc dù triển vọng chung là tích cực, nhưng vẫn tồn tại những khác biệt về bức tranh kinh tế toàn cầu trước những rủi ro tiềm ẩn. Một số nhà phân tích bớt lạc quan khi Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng của lãi suất cao. Hay tại Trung Quốc, tiêu dùng và đầu tư yếu hơn được cho là sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế của nước này.

Nền kinh tế Mỹ vẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu

Nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ tác động lớn tới tăng trưởng toàn cầu 2024

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy yếu trong năm nay, với 61% số người được hỏi trong báo cáo Triển vọng các nhà kinh tế trưởng mới nhất dự đoán xu hướng này. Tuy nhiên, phần lớn (86%) các nhà kinh tế trưởng lạc quan rằng lạm phát toàn cầu sẽ giảm bớt.

Trong khi OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 sẽ giảm xuống còn 2,7% vào năm 2024. Khi lạm phát tiếp tục giảm và thu nhập thực tế tăng lên, nền kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng trưởng 3% vào năm 2025. Theo đó, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh.

Mặc dù vậy, việc nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF cũng đã là một bằng chứng cho khả năng phục hồi và thích ứng của nền kinh tế toàn cầu giữa những thách thức và bất ổn lớn. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi như ở Châu Á và Mỹ Latinh có thể là một trong những động lực giúp kinh tế thế giới đạt được kết quả đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Âu loay hoay với chính sách an ninh kinh tế

    Châu Âu loay hoay với chính sách an ninh kinh tế

    03:00, 31/01/2024

  • Những thách thức chưa từng có với kinh tế Trung Quốc

    Những thách thức chưa từng có với kinh tế Trung Quốc

    03:00, 30/01/2024

  • Thêm một ngành kinh tế Mỹ

    Thêm một ngành kinh tế Mỹ "đại bại" dưới tay Trung Quốc

    04:30, 24/01/2024

  • Kinh tế Đức

    Kinh tế Đức "cản bước" châu Âu

    04:30, 22/01/2024

  • “Hé lộ” các kịch bản kinh tế thế giới năm 2024

    “Hé lộ” các kịch bản kinh tế thế giới năm 2024

    04:30, 22/01/2024

TRƯỜNG ĐẶNG