Doanh nghiệp địa ốc bất ngờ báo lãi lớn
Dù thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn song một số “ông lớn” ngành địa ốc lại ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2023 tăng đột biến.
>>Nan giải dòng vốn cho doanh nghiệp địa ốc
Trong năm vừa qua, thị trường bất động sản gần như bao trùm gam màu xám khi cả nguồn cung lẫn giao dịch đều sụt giảm. Chỉ đến thời điểm cuối năm, nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ cùng các bộ ngành, sức khoẻ của các doanh nghiệp địa ốc cũng đã tốt hơn, tạo đà phát triển cho thị trường trong năm 2024.
Doanh nghiệp địa ốc báo lãi lớn
Vừa qua, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) đã công bố báo cáo tài chính trong quý IV/2023, với doanh thu giảm nhưng lợi nhuận đột ngột tăng mạnh lên mức cao nhất trong 3 năm qua. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Novaland trong quý này đạt hơn 1.640 tỷ đồng, gấp gần 13 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lãi quý cao nhất trong 3 năm gần đây.
Thông tin về lợi nhuận lớn của Novaland trong quý IV đã đưa lợi nhuận cả năm lên cao hơn (với gần 685 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế), mặc dù thị trường bất động sản vẫn ảm đạm và doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức (như nỗ lực trả nợ trong năm vừa qua và còn nhiều vướng mắc của nhiều dự án). Theo đó, doanh thu của doanh nghiệp này trong quý IV/2023 đạt hơn 2.031 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.243 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Qua chia sẻ từ Tổng giám đốc Dennis Ng Teck Yow, lợi nhuận trong quý tăng mạnh là do hoạt động tài chính tăng. Trong đó, phần lớn doanh thu của Novaland trong năm bắt nguồn từ việc chuyển nhượng bất động sản, thông qua việc bàn giao tại các dự án (NovaWorld Phan Thiết, Aqua City,…).
>>Tín hiệu tích cực từ nợ trái phiếu doanh nghiệp
Một “ông lớn” khác là Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ - Cenland đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần tăng 107% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 330,6 tỷ đồng.
Trong quý, Cenland cũng thực hiện tiết giảm được phần lớn chi phí quản lý, chi phí bán hàng và chi phí tài chính. Do đó, doanh nghiệp báo lãi sau thuế trong quý này ở mức 1,2 tỷ đồng.
Dù vậy, do kết quả kinh doanh kém tích cực trong ba quý đầu năm, tính chung cả năm 2023 Cenland chỉ đạt 1.025 tỷ đồng doanh thu thuần và 2,5 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm hơn 72% và 98% so với năm trước. Đây cũng là mức lãi thấp nhất của CenLand kể từ năm 2016 đến nay.
Thị trường bất động sản ấm dần
Tại Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2024 mới công bố, Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 342 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, bằng 101,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp bất động sản quay lại hoạt động là 645 doanh nghiệp, bằng 129,3% so với cùng kỳ.
Về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, trước đó, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/1, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm, vốn đầu tư của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội.
Từ những yếu tố trên, nhiều kỳ vọng được đặt ra về việc lợi nhuận doanh nghiệp có thể trở thành động lực hồi phục của thị trường bất động sản. Đặc biệt, Luật Đất đai được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ thống đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật, qua đó giúp thị trường bất động sản khởi sắc, minh bạch, lành mạnh để phát triển. Đặc biệt là giải quyết được những vướng mắc cho người dân, nhất là doanh nghiệp bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, việc sửa đổi luật không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi thông được dự án ách tắc mà còn giúp gia tăng nguồn cung, giảm giá nhà. Đây cũng là mục tiêu Chính phủ đặt ra trong phát triển thị trường bất động sản năm 2024, để ngày càng nhiều người dân có cơ hội sở hữu nhà ở.
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, tại thời điểm đầu năm 2024 và nhìn lại một năm 2023, có thể thấy rằng thị trường đang ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực mặc dù thách thức vẫn hiện hữu.
Luật Đất đai được thông qua sẽ tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản, bên cạnh đó là hai bộ Luật mới được Quốc hội thông qua. Từ đó, nguồn cung thị trường sẽ dần được cải thiện, hoạt động đầu tư hạ tầng đang được đẩy mạnh cùng triển vọng phát triển kinh tế mạnh mẽ sẽ làm gia tăng nhu cầu về bất động sản trên mọi phân khúc.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho biết, năm 2024, có thể thị trường địa ốc sẽ có gam màu sáng hơn, tính thanh khoản cùng lượng giao dịch thành công sẽ nhiều hơn.
"Trong bối cảnh thị trường bất động sản đã dò được đáy, doanh nghiệp cũng dễ phác thảo kế hoạch tái cấu trúc của mình theo hướng tích cực. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thay đổi được tâm lý khách hàng" - ông Phúc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản Việt Nam lọt "mắt xanh" khối ngoại
02:00, 02/02/2024
(BÀI TẾT) Chuyên nghiệp hoá môi giới bất động sản
15:30, 01/02/2024
Cần giải pháp “cứu” doanh nghiệp xây dựng, bất động sản Quảng Nam
10:47, 01/02/2024
Bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng năm 2024
05:00, 01/02/2024
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Minh bạch thị trường condotel
03:30, 31/01/2024