Châu Âu kỳ vọng phục hồi tích cực hơn

CẨM ANH 13/02/2024 03:00

Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế châu Âu đã tránh tình trạng suy thoái và có thể sẽ phục hồi trong năm 2024.

>> Động lực nào tăng sức cạnh tranh của châu Âu?

Nền kinh tế châu Âu

Nền kinh tế châu Âu đã tránh được tình trạng suy thoái trong năm 2023

Theo ước tính ban đầu do Eurostat công bố, trong cả năm 2023, GDP đã tăng 0,5% ở cả khu vực đồng euro và EU.

Kể từ khi Nga thực hiện cuộc chiến tại Ukraine, khu vực đồng euro đã phải vật lộn để đối phó với giá năng lượng và thực phẩm tăng cao cũng như những thiệt hại gây ra cho niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. ECB đã tăng lãi suất vào năm ngoái lên mức cao nhất kể từ khi đồng euro được ra mắt vào năm 1999.

Mức tăng trưởng tốt hơn mong đợi ở Italy và Tây Ban Nha trong quý 4/2023 dường như đã giúp nền kinh tế châu Âu ổn định vào cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, Bồ Đào Nha cũng đã chứng kiến tăng trưởng 0,8% trong quý cuối cùng năm 2023, Áo tăng trưởng 0,2%.

Tuy nhiên, nền kinh tế Ireland giảm 0,7% trong quý 4/2023– quý thứ tư giảm liên tiếp. Đặc biệt, Đức- nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang suy yếu. Sản lượng của Đức lần đầu tiên giảm vào năm ngoái kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong quý 4, GDP của Đức giảm 0,3% so với quý trước. Nền kinh tế Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, trì trệ trong quý 4 nhưng đạt mức tăng trưởng 0,7% trong cả năm 2023.

>> Nông nghiệp châu Âu "vật lộn" với nhiều khó khăn

Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm tới

Nền kinh tế Eurozone đang có dấu hiệu phục hồi.

Theo ông Christoph Weil, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Commerzbank, dữ liệu kinh tế khu vực đồng euro không có lý do gì để ăn mừng. “Việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên quy mô lớn đã khiến tăng trưởng kinh tế rơi vào tình trạng bế tắc vào mùa hè năm ngoái. Khó có khả năng nền kinh tế khu vực này sẽ thoát khỏi giai đoạn yếu kém trước mùa xuân năm nay”, ông Christoph Weil nhận định.

Chuyên gia này cũng nói thêm: “Lạm phát cao liên tục khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khó có thể hạ lãi suất cơ bản trước mùa hè"; đồng thời ông cũng lưu ý rằng tác động kinh tế tích cực của những đợt cắt giảm lãi suất khó có thể được cảm nhận trước năm 2025.

Ông Jack Allen-Reynolds, chuyên gia kinh tế khu vực đồng euro tại Capital Economics, cũng có quan điểm tương tự về triển vọng của châu Âu. Chi phí đi vay chính thức cao hơn sẽ đẩy chi phí vốn lên cao. Điều này có xu hướng làm giảm hoạt động vay mượn của các hộ gia đình và doanh nghiệp, hạn chế chi tiêu chung trong nền kinh tế.

Chuyên gia này dự báo, nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ đi ngang trong nửa đầu năm 2024 khi tác động của việc thắt chặt tiền tệ trong quá khứ tiếp tục phát huy tác dụng và chính sách tài khóa trở nên hạn chế hơn.

Đồng quan điểm, bà Nicola Mai, chuyên gia kinh tế tại công ty quản lý tài sản Pimco, cho biết: “Mặc dù có khởi đầu kiên cường vào đầu năm 2023, nền kinh tế khu vực đồng euro vẫn yếu kém trong cả năm và chúng tôi dự đoán rằng sự mong manh này sẽ tiếp tục tồn tại vào năm 2024.

“Châu Âu vẫn đang hồi phục sau cú sốc năng lượng kéo dài và chưa trải qua mức độ kích thích tài chính tương tự như nền kinh tế Mỹ trong những năm gần đây. Kỳ hạn nợ ngắn hơn của khu vực cũng có nghĩa là việc tăng lãi suất diễn ra nhanh hơn", bà nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng nền kinh tế châu Âu năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023. Bởi vì khu vực này đã dịch chuyển nhanh chóng và tích cực để “cai” khí đốt Nga, chuyển sang dùng các nguồn năng lượng nhập khẩu khác và năng lượng sạch.  

Có thể bạn quan tâm

  • Động lực nào tăng sức cạnh tranh của châu Âu?

    Động lực nào tăng sức cạnh tranh của châu Âu?

    04:00, 08/02/2024

  • Nông nghiệp châu Âu

    Nông nghiệp châu Âu "vật lộn" với nhiều khó khăn

    03:00, 05/02/2024

  • Châu Âu loay hoay với chính sách an ninh kinh tế

    Châu Âu loay hoay với chính sách an ninh kinh tế

    03:00, 31/01/2024

  • Kinh tế Đức

    Kinh tế Đức "cản bước" châu Âu

    04:30, 22/01/2024

CẨM ANH