Tăng trưởng tín dụng giảm, NHNN tăng gấp đôi gói vay 15.000 tỷ đồng

LÊ MỸ 20/02/2024 13:09

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết trong tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

>>>Triển vọng tăng trưởng tín dụng năm Giáp Thìn

Cụ thể, tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 do NHNN tổ chức trực tuyến toàn quốc sáng ngày 20/2/2024, NHNN cho biết đến cuối tháng 1, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Diễn biến này có phần ngược chiều với con số tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong tháng 12 năm trước, cũng như quyết tâm đẩy nhanh tín dụng của cơ quan điều hành ngay từ đầu năm nay.

Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. (Ảnh: SBV)

Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. (Nguồn ảnh: SBV)

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, tín dụng tháng 1 giảm là do thời vụ và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu chứ không do cơ chế. Đây cũng là tình hình chung của những năm gần đây.

Nguyên nhân dẫn đến diễn biến này theo Phó Thống đầu tiên là tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, doanh nghiệp hạn chế vay nợ đầu năm mới. Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó. 

NHNN từ đầu năm đã thay đổi cơ chế điều hành tín dụng, giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm là 15%, đồng thời có công văn yêu cầu các TCTD thúc đẩy tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Theo đó khi giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng, NHNN khẳng định việc cấp chỉ tiêu và chủ động điều chỉnh hạn mức cho từng nhà băng được NHNN thực hiện, các TCTD không cần phải gửi đề nghị cấp thêm. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành so với mọi năm, khi hạn mức thường chia nhiều đợt cấp và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị.

>>>Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lâm, thủy sản có ưu đãi gì?

Đầu tháng 2, trước kết quả tăng trưởng tín dụng thấp, NHNN đã yêu cầu các nhà băng phải đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng. Cơ quan điều hành cũng yêu cầu tăng trưởng phải đúng, trúng mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Đồng thời, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Trong hội nghị sáng nay, NHNN cũng cho biết có những điểm sáng về giải ngân tín dụng. Cụ thể như gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với lãi suất hỗ trợ từ 1-2% so với so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ, đến hết 2023 đã được giải ngân hết. Qua đó, khoảng 6.000 doanh nghiệp thuộc đối tượng của chương trình đã được hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi. Do đó, NHNN cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô gói tín dụng này nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản trong năm 2024. 

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lâm, thủy sản có tỷ lệ giải ngân đạt 100%

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lâm, thủy sản có tỷ lệ giải ngân đạt 100% trong 2023

Được biết, chương trình triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hiệu quả đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.

Trước đó, nhận định về gói tín dụng có tín "đo ni đóng giày" phù hợp theo yêu cầu doanh nghiệp ngành và điều kiện tiếp cận hợp lý với khả năng doanh nghiệp, nhiều chuyên gia trao đổi với Diễn đàn Doanh Nghiệp đã kiến nghị cần được cơ quan quản lý xem xét nghiên cứu để triển khai nhân rộng cho các ngành khác như gói tín dụng cho dệt may, gói tín dụng cho nông sản.v.v

Cũng trong Hội nghị thúc đẩy tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu năm, NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường thúc đẩy triển khai giải ngân chương trình tín dụng 120.000 dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất ưu đãi...

Đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này chủ yếu nên dành cho doanh nghiệp và người mua nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... với mức lãi suất được hưởng thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp do phụ thuộc vào việc triển khai dự án đúng đối tượng thấp; mặc khác lãi suất của gói này theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, chưa thể xem là "ưu đãi" do vẫn còn cao và tính ổn định về lãi suất công bố chỉ áp dụng ngắn hạn trong 6 tháng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    11:30, 19/02/2024

  • Đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    Đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    22:33, 17/02/2024

  • Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

    Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

    01:00, 16/02/2024

  • Tăng năng lực cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tín dụng xanh

    Tăng năng lực cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tín dụng xanh

    04:50, 11/02/2024

  • Triển vọng tăng trưởng tín dụng năm Giáp Thìn

    Triển vọng tăng trưởng tín dụng năm Giáp Thìn

    05:20, 10/02/2024

  • Triển vọng tín dụng ngành ngân hàng năm 2024

    Triển vọng tín dụng ngành ngân hàng năm 2024

    04:40, 12/02/2024

LÊ MỸ