Tăng trưởng tín dụng tháng 1/2024 chưa được công bố, nhưng bước sang năm mới Giáp Thìn, nền kinh tế còn 11 tháng để đẩy nhanh hấp thụ vốn.
>>> Cần đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tại công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy tín dụng cho vay, tăng trưởng tín dụng trong tháng 1/2024 thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước đây.
Thông thường, hấp thụ tín dụng trong quý I được xem là vùng thấp điểm của một năm, do các thành phần trong nền kinh tế chưa thể đẩy mạnh nhu cầu vay ngay từ đầu năm mà còn phải chờ các yếu tố như: Theo dõi diễn biến của kinh tế và môi trường kinh doanh; Triển khai kế hoạch kinh doanh của năm theo phê duyệt của ĐHĐCĐ; Tăng cường tiếp cận vốn để triển khai đơn hàng khi vào mùa sản xuất.v.v
Tuy nhiên, trong quý I của một năm, tùy thời điểm rơi vào 1 tháng trước ngày nghỉ Lễ Tết Nguyên đán (trừ tháng nghỉ Tết nguyên thì tín dụng sẽ giảm cho hệ thống ngân hàng nghỉ lễ, không phê duyệt giải ngân, doanh nghiệp và người dân cũng nghỉ tết)), tín dụng thường sẽ tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu vốn, phục vụ cho hoạt động kinh doanh, ra hàng đáp ứng thị trường. Tín dụng tiêu dùng bao gồm cả tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản cũng sẽ tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giao dịch nhà ở của người dân trước khi chào đón năm mới.
Năm nay, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia Tài chính nhận xét, thời điểm cao điểm vay vốn phục vụ các nhu cầu như vậy đã rơi vào khoảng tháng 12, đẩy tăng trưởng tín dụng của riêng tháng 12 và cả quý IV/2023 lên rất cao, nhờ đó hệ thống “tốc hành” đạt chỉ tiêu theo kịch bản đề ra. Cũng do đó, tín dụng bước sang tháng 1/2024 như NHNN thông tin, có thể đã “chùng xuống”. Chưa kể, một số các biến động trên thị trường có thể tác động tới quyết định hành vi vay vốn của doanh nghiệp như: Lắng nhu cầu từ các nền kinh tế chi phối thị trường nhập khẩu khi lạm phát hay suy thoái vẫn còn “phảng phất” đe dọa trong các dữ liệu kinh tế và chính sách tiền tệ của Mỹ, EU; thông tin căng thẳng tại dải Gaza và rủi ro chuỗi cung ứng, vận chuyển bùng phát tại Biển Đỏ…
>>> Triển khai các giải pháp giải ngân tín dụng đúng mục tiêu ngay từ đầu năm
Trong khi đó, mức độ phục hồi các đơn hàng và nhu cầu restock hàng hóa thiết yếu của một số thị trường lớn, cũng đã rơi vào quý IV/2023 khi dịp lễ đón Giáng Sinh và Năm Mới ở các quốc gia phát triển theo lịch Dương sớm hơn các nước châu Á. Vì vậy mà nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng ngắn hạn thì cũng đã tăng từ trước đó, thể hiện qua những "chồi xanh" phục hồi xuất khẩu trong quý IV vừa qua.
Tóm lại, trong quý I/2024, tăng trưởng tín dụng có thể tiếp tục giữ ở mức thấp, bất chấp lãi suất cho vay đã về mức rất hấp dẫn trên thị trường, ông Hoàn nhận định.
Dù vậy, với triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực hơn trong 2024, Xuân mới Giáp Thìn sẽ là thời điểm bắt đầu cho kỳ vọng độ trễ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được phát huy hiệu quả.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng toàn cầu đạt 3,1% trong năm 2024, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó vào tháng 10/2023. Dự báo cho thấy kỳ vọng vào sự phục hồi của các thị trường lớn, đặc biệt Mỹ và châu Âu với khả năng hạ nhiệt lạm phát, qua đó hạ lãi suất. Với Việt Nam, IMF dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Đồng thời, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,9% vào năm 2025, với nguyên do nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động của nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài trong năm nay, song nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch COVID-19 vẫn được duy trì.
Trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. Trong khi đó, Ngân hàng châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng 6,0% trong 2024…
Nhìn chung, mặc dù đánh giá vẫn còn những yếu tố thách thức nhất là từ phía bên ngoài, song nội lực và hiệu ứng lan tỏa của chính sách tài khóa, sự nới lỏng và duy trì khá dài của chính sách tiền tệ, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cộng thêm, Chính phủ cũng đã có chủ trương thúc đẩy đầu tư công rất sớm, ngay từ đầu năm và nhiều công trình trọng điểm vẫn đang duy trì tiến độ theo kế hoạch, làm việc xuyên Tết; Qua đó, kích thích nhu cầu tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn tín dụng trong những tháng tới đây.
Lưu ý rằng xuất khẩu phục hồi, đặc biệt các mặt hàng công nghệ; cộng hưởng nhu cầu đầu tư tiêu dùng tăng lên khi kỳ vọng thu nhập tăng; những khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo dần từng nút thắt… sẽ củng cố hơn nữa những dấu hiệu tích cực. Đây chính là các điều kiện cho tăng trưởng tín dụng, trái ngược với bối cảnh cầu yếu, tiếp cận và hấp thụ vốn quá khó của 2024.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN bày tỏ vào nửa cuối năm 2024, nếu mọi điều kiện ổn định và tín dụng tăng trưởng tăng tốt, NHNN có thể mở rộng thêm ngoài chỉ tiêu 15%. Dù các dữ liệu tương lai là ẩn số, song chúng ta có quyền kỳ vọng vào triển vọng tín dụng tích cực của năm nay, với vai trò đây vẫn đã, đang và sẽ là nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp, của nền kinh tế!
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng tín dụng ngành bất động sản và xây dựng, vật liệu xây dựng năm 2024
11:50, 08/02/2024
Khơi dòng “tín dụng xanh” chảy vào doanh nghiệp
16:23, 08/02/2024
Dự báo triển vọng tín dụng cải thiện trong năm 2024
11:30, 07/02/2024
Cần đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp
11:00, 03/02/2024
Đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
05:00, 03/02/2024
Tín dụng bất động sản sẽ khởi sắc
02:30, 03/02/2024