"Tụt hậu" trong cuộc đua AI, Apple đang toan tính gì?
Apple từng làm nên tên tuổi bởi những thiết bị tiên tiến với công nghệ gây bất ngờ, nhưng trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay, "ông lớn" này dường như đang thất thế.
Trong khi Google sớm ra mắt Bard và sau đó là Gemini, Microsoft có Copilot và "thâu nạp" OpenAI – cha đẻ của ChatGPT - thì Apple vẫn chưa đạt được nhiều bước tiến với các công cụ AI của mình. Không rõ đây có phải là chiến lược "ẩn mình" của Apple hay không, nhưng nhiều đầu tư được cho đang dần mất kiên nhẫn với chiến lược AI không rõ ràng của công ty này.
>> Apple bị EU phạt 2 tỷ USD tội chống độc quyền
Apple chậm chân trong cuộc đua AI
Điều này có vẻ kỳ lạ khi Apple từng đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng chatbot AI với Siri từ cách đây hơn 1 thập kỷ. Năm 2011, sự ra đời của Siri – trợ lý ảo có khả năng trò chuyện gần như người thật đã tạo nên cơn sốt trong làng công nghệ. Nhưng tiến độ phát triển của nó dần chậm lại theo thời gian, bất chấp có những bản cập nhật. Giờ đây, Siri đơn giản là không thể so sánh với các đối thủ cạnh tranh của Google, Microsoft hay Amazon, chưa nói tới ChatGPT.
Có nhiều lý do dẫn tới việc này. Apple có nhiều tham vọng trong AI nhưng công ty gặp hạn chế trong mảng dữ liệu đám mây. Theo các chuyên gia, lĩnh vực AI cần tài nguyên tính toán khổng lồ nơi dịch vụ đám mây đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, những mâu thuẫn nội bộ cũng cản trở đà phát triển của Siri. Ví dụ, một dự án có tên "Siri X" đã được khởi xướng để chuyển quy trình xử lý của Siri trên thiết bị vì lý do riêng tư nhưng lại không tập trung vào việc nâng cao khả năng của nó. Sự thay đổi trọng tâm này dẫn đến việc công ty phải từ bỏ một dự án đầy tham vọng hơn có tên "Blackbird".
Các nhà đầu tư của Apple được cho đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với những bước tiến chậm chạp của công ty trong lĩnh vực AI, đặc biệt là khi so sánh với các công ty cùng ngành. Đó cũng là lý do khiến cổ phiếu của Apple tụt hậu so với những gã khổng lồ công nghệ khác.
Chờ đợi "bất ngờ" từ Tim Cook?
Dẫu vậy, với truyền thống bí ẩn về thông tin, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng CEO Apple Tim Cook hẳn đang nung nấu một dự án đột phá về AI cho công ty.
>> Lý do khiến Apple chuyển sang Việt Nam
Trong cuộc họp cổ đông thường niên của Apple vào tháng 2 vừa qua, ông Tim Cook đã trấn an giới đầu tư bằng việc tuyên bố công ty đã đạt những tiến bộ đáng kể trong công nghệ AI tạo sinh dự kiến vào cuối năm nay.
Có lẽ những tuyên bố của ông Cook không phải là vô căn cứ. Apple vẫn không hề ngồi yên trong lĩnh vực AI. Kể từ năm 2015, công ty đã mua lại hơn hai chục công ty AI và ứng dụng công nghệ của họ vào phạm vi sản phẩm của mình, trong số đó có Emotient, Laserlike, Drive.ai, AI.Music và WaveOne.
Apple có vẻ vẫn đi theo truyền thống kín tiếng về chiến lược tổng thể của mình, bao gồm cả R&D về AI. Điều này ngược lại hẳn với phong cách quảng bá mạnh mẽ các chatbot AI tạo sinh và nền tảng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của các đối thủ. “Đó là DNA của Cook và Cupertino. Họ có xu hướng không nói chuyện cho đến khi phát hành”, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities cho biết.
Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận AI của Apple được dự báo cũng có sự khác biệt. Trong khi các đối thủ đang tập trung vào việc xây dựng các mô hình AI độc lập thì Apple lại nhắm đến tích hợp AI vào hệ sinh thái của mình. Mục tiêu được cho nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và quyền riêng tư được đề cao của hãng.
Brendan Burke, nhà phân tích công nghệ mới nổi tại công ty nghiên cứu PitchBook, người đã theo dõi 30 thương vụ mua lại liên quan tới AI của Apple trong suốt thời gian qua, cho biết: “Apple đang xem xét việc mua lại các nhóm nhân tài hàng đầu trong từng lĩnh vực có thể đưa công nghệ máy học vào các sản phẩm tiêu dùng cụ thể”.
Công nghệ của các công ty AI được Apple mua lại đã được các kỹ sư nhúng các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính và đồng hồ; dịch vụ phát nhạc và truyền hình trực tuyến, cho tới hệ điều hành và cả kính thực tế ảo Vision Pro đầy hứa hẹn dự kiến phát hành vào năm tới.
Các báo cáo cũng cho thấy Apple không e ngại đầu tư vào AI, ước tính lên tới 5 tỷ USD mỗi năm. Cam kết tài chính này nhằm mục đích xây dựng nền tảng cho sự phát triển AI, có khả năng dẫn đến AI App Store, và có thể kiếm tiền đáng kể từ cơ sở người dùng khổng lồ của Apple.
Dù sự nhấn mạnh của Apple vào quyền riêng tư và độ tin cậy có thể hạn chế việc triển khai nhanh chóng các công nghệ AI mới, nhưng cách tiếp cận này có thể làm phong phú và mang lại lợi thế đặc biệt cho hệ sinh thái vốn đang rất mạnh mẽ của Apple. Điều này nghe có vẻ hợp lý, ít nhất là cho đến khi những lời hứa của Tim Cook về sản phẩm AI đột phá của Apple xuất hiện.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc nỗ lực tạo đột phá về công nghệ
02:00, 05/03/2024
Trung Quốc tìm cách tránh "bẫy công nghệ tầm trung"
03:30, 18/12/2023
Các doanh nghiệp toàn cầu đang ứng dụng AI như thế nào?
04:00, 06/03/2024
Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn
04:00, 05/03/2024
"Nóng" cuộc đua đưa AI vào các thiết bị
02:00, 03/03/2024