Ma trận nước giặt “siêu rẻ” - Bài 5: Vì sao khó kiểm soát?
Hiện có rất nhiều cơ quan có chức năng, thẩm quyền để xử lý hàng giả, nhái, kém chất lượng nhưng hoạt động rời rạc, thiếu đồng bộ. Thậm chí, chức năng nhiệm vụ giữa các đơn vị vẫn còn đang chồng chéo…
>>Tràn lan nước giặt giá rẻ: Những ẩn họa khôn lường
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thị trường nước giặt hiện nay như ma trận “bủa vây” người tiêu dùng. Đủ các thương hiệu nước giặt từ “vô danh” đến nổi tiếng đang được quảng cáo tràn lan trên chợ mạng, cũng đã có nhiều cảnh báo, các sản phẩm nước giặt giá rẻ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận “khủng” nên thời gian qua, các đối tượng đã bất chấp pháp luật, “bỏ quên” đạo đức kinh doanh để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm giá rẻ, thậm chí nhái các thương hiệu uy tín để trục lợi.
Đáng nói, việc hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng, mà còn làm thua thiệt cho các doanh nghiệp chân chính, thất thu thuế cho Nhà nước. Vấn nạn này còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu. Sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái trên thị trường cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính đến bờ thua lỗ, thậm chí phá sản.
Lý giải về nguyên nhân tồn tại hàng giả, hàng nhái nhiều năm nay, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là chế tài xử lý. Hiện có rất nhiều cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý nhưng hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan còn chồng chéo.
>>Phát hiện cơ sở sản xuất nước giặt giả mạo nhãn hiệu D-nee, Comfort
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, không chỉ sản phẩm nước giặt mà hầu như tất cả các loại hàng hoá hiện nay đều có nguy cơ bị làm giả, nhái, bởi hoạt động quản lý còn nhiều bất cập. Điển hình như khâu giám định, tưởng như chỉ là một thủ tục song lại làm "tắc" không ít vụ việc.
Theo luật sư Biên, phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ. Lý giải về điều này, vị chuyên gia cho biết, theo quy định của pháp luật, việc xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái thì bắt buộc phải có kết luận giám định hàng giả. Tuy nhiên, khoản chi phí để giám định các loại hàng hoá này cũng là một vấn đề nan giải. Chưa kể, không ít doanh nghiệp e ngại thương hiệu của họ bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả sẽ bị khách hàng tẩy chay.
Cũng theo luật sư Biên, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa có tính sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Mặc dù số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái những năm qua là rất nhiều, song số vụ bị xử phạt còn khá khiêm tốn. Do đó, có nhiều trường hợp đã xử phạt nhiều lần nhưng lần sau đến kiểm tra vẫn vi phạm bình thường. Không ít người làm hàng giả, hàng nhái sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để thu lợi. “Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái tạo ra "siêu lợi nhuận" nên có sức hút, lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia, kể cả những người lao động thuần túy. Trên thực tế, việc xử lý những doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng khó khăn hơn vì thủ đoạn của họ ngày càng tinh vi, phức tạp”, vị chuyên gia nhận định.
Từ một góc nhìn khác, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự cho rằng, sự phản ứng chậm của các cơ quan chức năng trước vấn nạn này và sự thờ ơ, thậm chí tiếp tay cho hàng giả của chính người tiêu dùng là nguyên nhân khiến cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả thực sự khó khăn trong những năm qua.
“Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do không thể phân biệt thì vẫn có không ít người tiêu dùng dù biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận. Với cách nghĩ ấy, hàng giả, hàng nhái đã dần dần được tiếp tay trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần”, luật sư Lê thị Nhung nói.
Để xử lý hiệu quả vấn nạn nêu trên, giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa với mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước. Về phía doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các phương án tem chống giả, chú trọng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ… nhằm bảo vệ thương hiệu của mình trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Bên cạnh đó, theo bà Nhung, chính mỗi người dân cũng cần ý thức bảo vệ mình, nên mua hàng ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, tem nhãn đúng quy định của pháp luật. Và quan trọng hơn cả là người dân cần coi việc mua hàng thật, có nguồn gốc xuất xứ là đương nhiên, không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả, không rõ nguồn gốc.
“Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, mỗi người dân cũng cần phối hợp với lực lượng chức năng trong phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng cần phản ánh tới cơ quan quản lý hoặc cơ quan công an, cũng như chủ động chia sẻ thông tin để cộng đồng biết và phòng tránh” - Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự nói.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 4 – “Mối nguy” khó lường
03:00, 05/03/2024
Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 3 – Những thủ đoạn tinh vi
03:00, 04/03/2024
Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 2 - Bất ngờ “lò” sản xuất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội)
11:00, 29/02/2024
Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 1 – Tung hoành khắp “chợ mạng”
11:00, 23/02/2024