Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài cuối - Đi tìm giải pháp tối ưu
Bên cạnh chế tài trong văn bản pháp luật liên quan đến chống hàng giả nhái, việc đưa công nghệ số vào quy trình tiêu thụ, mua bán hàng hóa sẽ là “cứu cánh” cho doanh nghiệp trong cuộc chiến này…
>>Ma trận nước giặt “siêu rẻ” - Bài 5: Vì sao khó kiểm soát?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, hiện nay, thị trường nước giặt như những ma trận bởi các sản phẩm “thượng vàng hạ cám” “bủa vây” người tiêu dùng. Các thương hiệu nước giặt từ “vô danh” đến nổi tiếng đang được quảng cáo tràn lan trên chợ mạng. Đáng nói, dù đã có nhiều cảnh báo các sản phẩm nước giặt giá rẻ luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường đối với sức khỏe con người.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận “khủng” nên các đối tượng đã bất chấp pháp luật, “bỏ quên” đạo đức kinh doanh để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm giá rẻ, giả, nhái các thương hiệu uy tín để trục lợi. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái hoành hành suốt thời gian qua, khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị “đánh cắp” thị phần, khó cạnh tranh, làm cho môi trường đầu tư kinh doanh trở nên “méo mó”.
Theo cơ quan chức năng, không chỉ có thị trường nước giặt hiện nay đang “nhộm nhoạm”, mà có đến 80-90% hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, mua bán trên mạng. Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử bây giờ là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, đây là một mặt trận rất nóng bỏng và khó khăn.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội, còn nhớ, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hồi tháng 11/2023, đại biểu Lê Đoàn An Xuân (Đoàn Phú Yên) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng với giới thiệu, quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt qua các kênh bán hàng online.
Đáng lưu ý là hàng giả nhiều ở các ngành hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc… Nhiều vụ việc phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay mà chưa có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước hay Hội Bảo vệ người tiêu dùng; dẫn đến nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý thích đáng.
Có thể nói, chống hàng giả, hàng nhái trên mạng hay thương mại điện tử đã trở thành yêu cầu cấp thiết, khi thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tiêu dùng của cả thế giới, nhất là từ sau đại dịch Covid-19.
>>Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 1 – Tung hoành khắp “chợ mạng”
Trao đổi về giải pháp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử, bà Đỗ Thị Xuân Hương, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều giải pháp chống hàng giả, như dán tem chống hàng giả; công nghệ nhận diện bằng hình ảnh; truy vết hàng hóa; định danh người bán hàng. Trong đó dán tem chống hàng giả là giải pháp truyền thống phổ biến.
Tuy nhiên, thương mại điện tử là kênh phân phối hàng hóa ngày càng phát triển, là môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh hàng giả hàng nhái. Vì vậy cần có giải pháp truy vết hàng hóa, định danh người bán hiệu quả, nhưng cần đảm bảo tính chính xác, “chống làm giả các công nghệ làm giả”; tính tiện lợi; tính hiệu quả về chi phí.
“Chính phủ cần ban hành các quy định tiêu chuẩn về truy vết hàng hóa, định danh người bán trên thương mại điện tử; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai giải pháp. Người tiêu dùng cần điều chỉnh thói quen mua sắm, nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm và người bán. Đối với bên kinh doanh vận chuyển, đảm bảo hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sản phẩm sau khi đóng gói phải sử dụng tem chống giả và phải định danh được người bán. Hàng hóa khi tham gia lưu thông phải đính kèm hóa đơn điện tử nhằm chống gian lận và thất thu thuế”, bà Đỗ Thị Xuân Hương đề xuất.
Cũng theo các chuyên gia, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả sẽ rất khó kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp chống giả sẽ giúp thống nhất quy chuẩn quốc gia để cơ quan chức năng đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của các loại tem chống hàng giả, phục vụ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh tránh lãng phí các nguồn lực xã hội.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp từ góc nhìn pháp lý về giải pháp để đối phó với vấn nạn này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, để giải bài toán này đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Theo luật sư Nhung, cùng với giải pháp thực tế như: Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý vẫn phải được xác định là giải pháp then chốt.
Lý giải thêm về điều này, nữ chuyên gia cho rằng, hiện nay, tuy các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống.
Do vậy, luật sư Nhung cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu.
“Cùng với đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái, góp phần thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh chân chính; từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng”, luật sư Nhung nói.
Có thể bạn quan tâm
Ma trận nước giặt “siêu rẻ” - Bài 5: Vì sao khó kiểm soát?
03:00, 11/03/2024
Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 4 – “Mối nguy” khó lường
03:00, 05/03/2024
Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 3 – Những thủ đoạn tinh vi
03:00, 04/03/2024
Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 2 - Bất ngờ “lò” sản xuất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội)
11:00, 29/02/2024
Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 1 – Tung hoành khắp “chợ mạng”
11:00, 23/02/2024