Xung đột Biển Đỏ (Kỳ I): Chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn
Xung đột Biển Đỏ đã và đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động không nhỏ tới kinh tế thế giới.
>> Khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng thế nào tới thương mại Việt Nam?
Xung đột Israel-Hamas đã khiến Houthi- một tổ chức quân sự do Iran hậu thuẫn, tấn công các tàu vận chuyển hàng hóa quốc tế đi qua Biển Đỏ, với lý do là nhằm ủng hộ người dân Palestine ở Dải Gaza. Trong khi đó, Biển Đỏ là đoạn vận chuyển đường biển nối Biển Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải thông qua Kênh đào Suez. Do đó, vùng biển này có vị trí quan trọng đối với kinh tế thế giới vốn đang chịu nhiều áp lực từ nhiều yếu tố, như xung đột thương mại và kinh tế giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraine, lãi suất tăng cao và nguy cơ lạm phát trở lại...
Thay đổi để thích ứng
Tuyến vận tải biển qua Biển Đỏ chiếm từ 12- 15% tổng vận tải biển thương mại toàn cầu, khoảng 30% tàu container toàn cầu đi qua đây. Do đó, xung đột Biển Đỏ tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều công ty phải tạm ngừng sản xuất vì không đủ phụ tùng lắp ráp như Volvo, Tesla…
Về thời gian vận chuyển, thống kê cho thấy vận chuyển từ châu Á sang châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nhiều khi thời gian quá cảnh qua vùng này tăng lên. Trong đó, Đức chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thời gian quá cảnh tăng tới 55%, tức số ngày chờ tăng thêm 12 ngày. Tiếp đến là Bờ Đông Bắc Mỹ với thời gian tăng thêm 11 ngày. Mặt khác, thời gian vận chuyển dài hơn còn vì nhiều công ty phải chọn đi hướng khác dài hơn.
Về tuyến đường và phương tiện, nhiều công ty vận chuyển phải chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Tình hình này tồi tệ hơn khi mà Kênh Panama lại vào thời kỳ nước cạn và đang tiến hành nạo vét thường kỳ hàng năm. Điều này buộc nhiều chuỗi cung ứng phải chờ thêm thậm chí hàng tuần. Do đó, nhiều công ty phải chuyển sang đi đường bộ. Một số công ty xuất khẩu Việt Nam phải chọn đi đường sắt để vận chuyển hàng hóa sang châu Âu. Ước tính quãng đường vận chuyển (khối lượng hàng trước đây đi qua Biển Đỏ) dài hơn 40%.
>> Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ sụt giảm lợi nhuận vì xung đột Biển Đỏ
Về chi phí, ngoài chi phí trả cho vận chuyển, các công ty vận tải còn phải trả thêm tiền bảo hiểm. Sự tăng phí này là đáng lo ngại vì người tiêu dùng phải chịu, có nguy cơ làm tăng lạm phát trở lại. Theo tính toán, chi phí vận tải đã bị đội lên 60% do phải đi xa hơn, và phí bảo hiểm tăng 20%. Thậm chí, chi phí vận tải từ Trung Quốc đi châu Âu tăng 4 lần kể từ tháng 11/2023.
Những thay đổi trên khiến các chuỗi cung ứng phải thay đổi để thích ứng, theo hướng là tồn kho phải tăng lên, dự phòng tài chính tăng lên, và lịch hoạt động cũng phải kéo dài hơn để phòng ngừa bất chắc, lựa chọn tuyến và phương tiện vận chuyển khác... Để làm được điều này, việc tăng cường cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, và áp dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng khi đưa ra quyết định.
Đến nay, tác động của xung đột Biển Đỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn có thể kiểm soát được, không giống như thời kỳ đại dịch Covid-19. Bởi vì, các chuỗi cung ứng toàn cầu thực ra đã được ổn định đáng kể sau đại dịch Covid-19 và phải phân bố lại vì xung đột địa chính trị.
Lạm phát và lãi suất có đáng lo?
Như đã thấy trong đại dịch Covid-19, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng lạm phát. Nhưng trong trường hợp xung đột Biển Đỏ, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là không lớn.
Tuy nhiên, sự tăng giá dầu cũng có thể có hiệu ứng tương ứng. Thế giới cũng lo ngại rằng giá dầu sẽ bị đẩy lên cao, dẫn đến lạm phát và kết quả lãi suất sẽ neo cao, gây khó khăn cho kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, có thể nói xung đột Biển Đỏ là yếu tố duy nhất hiện nay khiến giá dầu tăng. Giá dầu bắt giảm liên tục kể từ tháng 9/2023 và chỉ tăng trở lại kể từ khi Houthi tấn công ở Biển Đỏ từ tháng 11/2023. Giá dầu WTI có lúc lên tới trên 80 USD/thùng hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2024 khi các nhóm phiến quân Houthi cũng do Iran hậu thuẫn đóng ở Iraq tấn công lực lược Mỹ đóng ở nước này, khiến ba quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào những khía cạnh cụ thể của sự tác động, thì có thể nhận thấy mức độ tác động là không quá lớn.
Thứ nhất, khối lượng dầu (và cả khí gas) thương mại được vận chuyển qua Biển Đỏ chỉ chiếm 12% tổng lượng toàn cầu, tức khoảng 9 triệu thùng/ngày. Việc lựa chọn đi qua Mũi Hảo Vọng không làm tăng mạnh chi phí.
Thứ hai, các nước xuất khẩu dầu về cơ bản là những đối tác của Houthi như Nga, Qatar, nên nguồn cung dầu và gas đi qua vùng biển này ít bị tác động.
Thứ ba, triển vọng kinh tế Trung Quốc- nền kinh tế lớn thứ hai và là nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, lại rất ảm đạm cho thấy cầu về dầu mỏ thế giới trong năm 2024 là khá yếu.
Nói cách khác, tác động làm tăng giá dầu từ cuộc xung đột Biển Đỏ là không quá đáng lo ngại. Hiện có dấu hiệu cho thấy giá dầu giảm dần và dao động xung quanh 78 USD/thùng vào ngày 9/3/2023.
Kết quả, lạm phát cũng vì thế mà không còn là mối nguy hiểm và sẽ ít chi phối chính sách lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương.
Kỳ II: Hóa giải tác động
Có thể bạn quan tâm
Biển Đỏ “rực lửa”: Đề xuất phát triển đội tàu container thương hiệu Việt Nam
02:30, 08/02/2024
Biển Đỏ "rực lửa": Ba kịch bản tương lai
02:30, 07/02/2024
Biển Đỏ “rực lửa”: Doanh nghiệp như “cá nằm trên thớt”, hãng tàu có "đục nước béo cò"?
11:29, 06/02/2024
Biển Đỏ “rực lửa”: Bảy đề xuất “gỡ khó” cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
11:03, 06/02/2024
Biển Đỏ “rực lửa”: Nguy cơ lạm phát "đè nặng" doanh nghiệp
03:30, 24/01/2024
Biển Đỏ “dậy sóng”: Nguy cơ “phân mảnh” kinh tế thế giới
14:40, 23/01/2024