Nghệ An kiến tạo lại vùng "thủ phủ" khoáng sản

HỒNG QUANG 15/03/2024 14:58

Trước những hệ luỵ xấu để lại, vùng huyện Quỳ Hợp được dự kiến sẽ trở thành trung tâm công nghiệp khai khoáng lớn, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến khoáng sản Nghệ An và cả nước.

Mới đây, trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳ Hợp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký, ban hành tại Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 7/3/2024 cũng đã nêu rõ định hướng trên. Điều này không chỉ góp phần khai khác nguồn tài nguyên hợp lý, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế; mà còn làm hạn chế những tồn tại, bất cập liên quan đến môi trường, dân sinh hiện hữu suốt nhiều năm qua…

Những hệ lụy đáng lo ngại

Vốn được xem là vùng “rốn khoáng” của tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung khi có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhất là các loại đá trắng và quặng thiết. Nhờ nắm giữ lợi thế to lớn trên, những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản ở nơi đây diễn ra rất sôi động, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.

Theo số liệu thống kê thời điểm cuối năm 2023 cho thấy, địa phương này có 79 mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn của 64 doanh nghiệp; trong đó, có hơn 30 mỏ khai thác đá hoa trắng, 29 mỏ khai thác đá xây dựng, còn lại là mỏ quặng thiếc, nước khoáng. Bên cạnh đó là 78 mỏ đã hết hạn, bao gồm 50 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ, 11 mỏ được cấp lại, 14 mỏ đang thực hiện trình tự thủ tục cấp lại. Ngoài ra, còn có hơn 150 xưởng chế biến khoáng sản, với gần 50 xưởng sản xuất theo hộ kinh doanh.

>>“Thủ phủ” khoáng sản Quỳ Hợp bị tàn phá nghiêm trọng

Các mỏ khoáng sản ở vùng huyện Quỳ Hợp nằm rải rác trên các xã và tập trung nhiều nhất ở các xã: Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Lộc, Châu Quang và Liên Hợp… Đây là những địa điểm mà từ nhiều năm trước có nhiều ngọn núi, quả đồi mang màu xanh của cây rừng và nay đã dần bị thay thế bởi màu trắng của đá cùng các nhà xưởng được dựng lên để phục vụ cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Hoạt động khai thác khoáng sản ở Nghệ An đang còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến môi trường, đời sống dân sinh...

Hoạt động khai thác khoáng sản ở Nghệ An đang còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến môi trường, đời sống dân sinh...

Thực trạng trên cũng đã kéo theo nhiều tồn tại, bất cập xảy ra trong suốt nhiều năm qua, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia và những hệ lụy nảy sinh liên quan đến môi trường, đời sống dân sinh mà các cấp chính quyền địa phương chưa thể kiểm soát triệt để được.

Còn nhớ, vào thời điểm trung tuần tháng 5/2023, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã đăng tải bài viết “Nghệ An: Bất lực trước “công trường” khai thác khoáng sản trái phép?”, phản ánh về việc có nhiều đối tượng lạ mặt huy động máy xúc, phương tiện vận tải vào địa bàn xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp để khai thác đá trái phép. Điều đáng quan ngại ở đây là khi PV phản ánh bất cập nêu trên thì chính quyền địa phương tỏ ra khá bất ngờ và không nắm bắt được sự việc trên địa bàn mình phụ trách.

>>Vì sao Nghệ An “lệnh” đóng cửa 10 mỏ khoáng sản ở Quỳ Hợp?

Về bất cập trên, UBND huyện Quỳ Hợp đã vào cuộc kiểm tra, xác minh, đồng thời chỉ đạo chính quyền xã này họp và nghiêm túc kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phó Chủ tịch UBND xã phụ trách, Trưởng Công an xã, công chức địa chính xã trong việc để xảy ra vụ việc mà không kịp thời phát hiện, xử lý.

Hay trước đó là câu chuyện về việc hàng trăm giếng nước bị cạn trơ đáy, sụt lún đất làm gần 250 ngôi nhà nứt, hỏng và nhiều nơi trên xuất hiện “hố tử thần” ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp gần 2 năm về trước, có lẽ vẫn chưa bao giờ là cũ. Sự việc xảy ra đã làm nóng dư luận trong một thời gian khá dài.

Ngay sau khi xảy ra, mặc dù chưa thể làm rõ nguyên nhân, thế nhưng, qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Công ty CP Tân Hoàng Khang là đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản (quặng thiếc và đá xây dựng đi kèm) trên địa bàn này phải chịu trách nhiệm khắc phục.

Nắn chỉnh lại vùng "thủ phủ" khoáng sản

Tuy nhiên, đó là ở góc nhìn kém lạc quan, còn nếu xét về mặt tích cực, không thể phủ nhận rằng, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Do vậy, việc quy hoạch vùng huyện Quỳ Hợp nhằm khai thác một cách hợp lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản là yêu cầu cấp thiết, được chính quyền tỉnh Nghệ An tập trung, chú trọng thực hiện.

Trên cơ sở đó, mới đây, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 509/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch vùng huyện Quỳ Hợp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định nói trên, vùng huyện Quỳ hợp sẽ trở thành trung tâm công nghiệp khai khoáng lớn của tỉnh, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến khoáng sản của tỉnh.

>>Chủ tịch tỉnh Nghệ An “thị sát” hiện trường sụt lún bất thường tại Quỳ Hợp

Cụ thể, vùng “rốn khoáng” huyện Quỳ Hợp sẽ được định hướng phát triển thống nhất về không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tỉnh; đảm bảo kết nối đồng bộ với các địa phương lân cận như Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, Anh Sơn, Con Cuông và Tân Kỳ; phát triển hài hòa giữa các vùng đô thị và nông thôn; tôn trọng tự nhiên, ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch được đề ra còn nhằm tổ chức không gian đô thị, nông thôn và các khu chức năng để góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng và lợi thế của địa phương. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, văn hóa - xã hội phát triển lành mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, quốc phòng - an ninh vững chắc.

Một góc mỏ khai thác ở huyện Quỳ Hợp – nơi được xem là “thủ phủ” khoáng sản của tỉnh Nghệ An

Một góc mỏ khai thác ở huyện Quỳ Hợp – nơi được xem là “thủ phủ” khoáng sản của tỉnh Nghệ An và cả nước

Về nhiệm vụ, quy hoạch sẽ hướng đến mục tiêu phát huy vị thế và sức mạnh tổng hợp của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với định hướng bền vững, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội và ngoại vùng. Trong đó, tập trung vào các thế mạnh về một số ngành, lĩnh vực như: Công nghiệp, chế biến khoáng sản; dịch vụ du lịch trải nghiệm văn hóa, cộng đồng, sinh thái; nông lâm nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Đồng thời, tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn trong huyện, xây dựng các chương trình kế hoạch và đề xuất các chính sách phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực. Bảo vệ môi trường thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu. Giữ gìn di sản văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và phát triển bản sắc văn hóa địa phương. Mặt khác, tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Quỳ Hợp đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiệm vụ của đồ án quy hoạch vùng Quỳ Hợp là phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý, địa hình, khí hậu thủy văn, tài nguyên đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước,...); thực trạng kinh tế - xã hội; hiện trạng phân bố đô thị và nông thôn; hiện trạng sử dụng và quản lý đất đai; hiện trạng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật vùng (gồm: đánh giá hiện trạng giao thông (đối nội, đối ngoại), chuẩn bị kỹ thuật, hiện trạng thoát nước mưa, hiện trạng cấp nước, hiện trạng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, hiện trạng cấp điện và thông tin liên lạc, hiện trạng môi trường; hiện trạng tài nguyên và môi trường vùng); hiện trạng các chương trình, dự án đầu tư phát triển đối với vùng lập quy hoạch; đánh giá công tác quản lý thực hiện các quy hoạch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Quy hoạch vùng Quỳ Hợp là vùng kinh tế tổng hợp của tỉnh, nằm trên trục phát triển kinh tế trọng điểm TX Hoàng Mai - Nghĩa Đàn – TX Thái Hòa - Quỳ Hợp. Và đặc biệt là trở thành trung tâm công nghiệp khai khoáng lớn của tỉnh, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến khoáng sản của tỉnh và cả nước…

Có thể bạn quan tâm

  • Hoàn thiện “mảnh ghép” phát triển du lịch cộng đồng ở Nghệ An

    Hoàn thiện “mảnh ghép” phát triển du lịch cộng đồng ở Nghệ An

    02:30, 14/03/2024

  • Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 5: Góc nhìn của luật sư

    Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 5: Góc nhìn của luật sư

    00:30, 11/03/2024

  • Nghệ An: Nỗi lo từ nhữngp/dự án có tận thu khoáng sản

    Nghệ An: Nỗi lo từ những dự án có tận thu khoáng sản

    02:00, 09/03/2024

  • Nghệ An: Nghi vấn thất thu thuế tại dự án Nhà máy may VietSun Hoàng Mai?

    Nghệ An: Nghi vấn thất thu thuế tại dự án Nhà máy may VietSun Hoàng Mai?

    00:06, 08/03/2024

  • Nghệ An gỡ “điểm nghẽn” rác thải bằng dự án nghìn tỷ

    Nghệ An gỡ “điểm nghẽn” rác thải bằng dự án nghìn tỷ

    07:40, 07/03/2024

HỒNG QUANG