Công ty Luật TNHH SmiC thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng phương án tính tiền bổ sung trong thời gian dự án được gia hạn mà ngành thuế tỉnh Nghệ An đưa ra là chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý…
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã đăng tải loạt bài viết, thông tin về việc các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn Nghệ An đề nghị các cơ quan thuế địa phương không tính tiền nộp bổ sung trong thời gian gia hạn tiến độ dự án đối với phần diện tích đất của dự án đã hoàn thành việc chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở; bởi vì họ cho rằng phương án tính toán đó là bất hợp lý.
Có thể khởi kiện thuế
Mới đây, theo thông tin PV nhận được, các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã cùng nhau ngồi lại họp bàn và đi đến thống nhất quan điểm, nếu như chính quyền tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan không sớm đưa ra câu trả lời xác đáng, cụ thể về việc xác định diện tích đất chậm đưa vào sử dụng và chủ thể nộp khoản tiền sử dụng đất trong thời gian dự án được gia hạn sử dụng đất thì sẽ đồng loạt tiến hành khởi kiện cơ quan thuế địa phương.
>>Nghệ An: Áp lực từ các khoản thuế, doanh nghiệp “kêu cứu”?
Hiện, doanh nghiệp đã đề nghị Công ty Luật TNHH SMiC thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn pháp luật và thực hiện các kiến nghị đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những vướng mắc liên quan đến chính sách cũng như quy định pháp luật hiện hành đối với việc xác định diện tích đất phải nộp tiền bổ sung do gia hạn tiến độ dự án và số tiền mà chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước.
Sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu mà doanh nghiệp cung cấp, đồng thời căn cứ các quy phạm pháp luật hiện hành, Công ty Luật TNHH SMiC cho rằng việc Cục Thuế tỉnh Nghệ An xác định diện tích đất đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở tại dự án để tính tiền bổ sung trong thời gian dự án được gia hạn là chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và không đảm bảo sự công bằng giữa các dự án chậm tiến độ nhưng có tỷ lệ diện tích hoàn thành xây dựng các công trình theo quy hoạch khác nhau.
>>Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”?
Quan điểm nêu trên được phía Công ty Luật TNHH SMiC lý giải như sau: Nhận thấy, việc xác định nghĩa vụ tài chính trong trường hợp này không chỉ căn cứ vào các quy định pháp luật chuyên ngành của cơ quan quản lý thuế, mà còn phải căn cứ quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và kinh doanh bất động sản để bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tổng thể và thống nhất của hệ thống pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc xác định diện tích đất để làm cơ sở tính tiền bổ sung trong thời gian dự án được gia hạn cũng như phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể (Chủ đầu tư dự án; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đang sử dụng đất của dự án trong trường hợp được Nhà nước gia hạn tiến độ sử dụng đất.
Cần phân định rõ chủ thể “sử dụng đất”
Bên cạnh đó, Công ty Luật TNHH SMiC cũng cho rằng, việc phân định chủ thể có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nộp tiền bổ sung trong thời gian dự án được gia hạn phải xem xét tổng thể, thống nhất trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết.
Đơn cử như, tại một số văn bản xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh Nghệ An căn cứ Điều 1 Thông tư số 332/2016/TT-BTV ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất để xác định đơn vị chủ đầu tư là “người sử dụng đất”, tức chủ thể có nghĩa vụ nộp khoản tiền bổ sung do gia hạn thời gian sử dụng đất với Nhà nước trong trường hợp này.
>>Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 3: Trăm dâu đang đổ…nhà đầu tư?
>>Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 4: Địa phương xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là việc UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở trong dự án thì người sử dụng đất theo quy định của pháp luật được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp là các hộ gia đình, cá nhân…
Do vậy, đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 5, khoản 6 Điều 7 Luật Đất đai năm 2013 thì hoàn toàn phù hợp với quy định “người sử dụng đất” trong trường hợp này là các hộ gia đình, cá nhân đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà không phải là chủ đầu tư.
Cụ thể, các hộ gia đình, cá nhân này có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định tại Điều 166 và Điều 170 Luật Đất đai năm 2013; trong đó, nghĩa vụ nộp các khoản tiền thuế, phí, lệ phí liên quan đến việc sử dụng đất và số tiền bổ sung do gia hạn sử dụng đất cho Nhà nước là nghĩa vụ tài chính đương nhiên, không nằm ngoài trách nhiệm của chủ thể này kể từ ngày đứng tên đăng ký tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Được biết, quy định về nghĩa vụ nộp tiền nêu trên của các hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của chủ đầu tư cũng phù hợp với quy định về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở nêu tại khoản 3 Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Cụ thể là: “Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà ở theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt”.
Chưa kể, đối với một số dự án có chức năng là “khu đô thị dịch vụ tổng hợp” thì các hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại dự án cũng chính là các chủ đầu tư thứ cấp như quy định tại khoản 13 Điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về Quản lý đầu tư phát triển đô thị: “Chủ đầu tư thứ cấp là chủ đầu tư cấp 2 hoặc chủ đầu tư các cấp tiếp theo tham gia đầu tư vào dự án đầu tư phát triển đô thị thông qua việc thuê, giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng thuộc dự án đầu tư phát triển đô thị để đầu tư xây dựng công trình”.
Do vậy, trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định người phải nộp khoản tiền bổ sung trong thời gian gia hạn tiến độ dự án là chủ đầu tư thì các hộ gia đình, cá nhân đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án với tư cách là chủ đầu tư thứ cấp theo quy định của pháp luật viện dẫn trên vẫn phải có trách nhiệm nộp khoản tiền này cho Nhà nước tương ứng với diện tích thửa đất đã được chuyển nhượng…
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Nỗi lo từ những dự án có tận thu khoáng sản
02:00, 09/03/2024
Nghệ An: Nghi vấn thất thu thuế tại dự án Nhà máy may VietSun Hoàng Mai?
00:06, 08/03/2024
Nghệ An gỡ “điểm nghẽn” rác thải bằng dự án nghìn tỷ
07:40, 07/03/2024
Nhiều dự án trọng điểm tạo điểm nhấn cho kinh tế Nghệ An
02:27, 04/03/2024