VBF 2024: EuroCham kỳ vọng vào ngành năng lượng và y tế của Việt Nam
EuroCham mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách luật liên quan tới lĩnh vực năng lượng, y tế và tiếp tục nới lỏng thị thực để tăng sức hấp dẫn toàn cầu của quốc gia trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) 2024 diễn ra ngày 19/3 tại Hà Nội, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, nhận định những thách thức thương mại toàn cầu đã khiến Việt Nam không thể tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. Dù vậy, nền kinh tế vẫn nằm trong nhóm những quốc gia tăng trưởng nhanh so với trung bình của thế giới, qua đó thể hiện “sự kiên cường và hoài bão của dân tộc đã được toàn cầu ghi nhận” như ông Gabor nhận xét.
Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức ở hiện tại và trở ngại trong tương lai phía trước, nơi kinh tế xanh đang trở thành đầu tàu tăng trưởng của thế giới, mà Việt Nam là một phần trong đó.
“Mục đích của chúng tôi khi nêu bật những vấn đề này không chỉ là đối mặt với những khó khăn mà còn biến chúng thành động lực của sự thịnh vượng, đổi mới và mối quan hệ đối tác Việt Nam và Eurozone thêm bền chặt”, ông nói.
Chủ tịch EuroCham khẳng định, khoảng 1200 thành viên và 20 ủy ban ngành của hiệp hội đều là những đối tác tận tâm trong hành trình hướng tới kinh tế xanh và phát thải ròng bằng 0. Một trong những mục tiêu cốt lõi của EuroCham là ủng hộ các chiến lược tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, theo ông Gabor.
Theo đó, lãnh đạo EuroCham chỉ ra các lĩnh vực chính được các doanh nghiệp châu Âu quan tâm, bao gồm cải thiện quản lý chất thải, nâng cao nhận thức cộng đồng và đổi mới chống ô nhiễm nhựa.
“Để thúc đẩy điều này, chúng tôi đề xuất các sáng kiến như ưu đãi thuế có mục tiêu cho các hoạt động kinh doanh xanh và sử dụng nhựa tái chế trong xây dựng đường để giảm tác động đến môi trường và hỗ trợ các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn”, đại diện EuroCham nói.
>>VBF 2024: BritCham khuyến nghị triển khai nhanh chóng Quy hoạch Điện VIII
Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam cũng sẽ gắn chặt với mục tiêu này. Ông Gabor nhận xét quá trình này thời gian qua đã bị chậm lại do một số vấn đề như thủ tục lựa chọn nhà đầu tư không rõ ràng, cơ sở hạ tầng lỗi thời, hợp đồng mua bán điện chưa được quy định rõ, truyền tải chậm, giá cả không cạnh tranh và thiếu vốn.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để nâng cao hiệu quả, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió ngoài khơi và thu hút đầu tư tư nhân để hiện đại hóa lưới điện.
Một lĩnh vực khác mà EuroCham quan tâm, đó là môi trường và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Ông Gabor nói: “Hiện tại, phí áp dụng cho các nhà sản xuất trong khuôn khổ này đã vượt quá khả năng của cơ sở hạ tầng tái chế. Điều này có thể dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn và để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề xuất một chiến lược thận trọng, giai đoạn miễn phạt trong hai năm đối với EPR từ năm 2024 để tránh gây khó cho các doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường”.
"Tính minh bạch trong quản lý Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cũng rất quan trọng trong việc công bố các địa điểm được tài trợ để tái chế và tiến bộ công nghệ thúc đẩy trách nhiệm giải trình và giúp bảo vệ môi trường Việt Nam cho các thế hệ tương lai", lãnh đạo EuroCham cho biết.
Ngoài ra, ông cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến việc sửa đổi luật dược phẩm vào năm 2024, nơi nhiều doanh nghiệp châu Âu cảm thấy nhiều thách thức trong làm việc với các đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong vấn đề tài chính, ông cho rằng điều quan trọng là phải tuân thủ các nguyên tắc của hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU và đảm bảo tính nhất quán của chính sách thuế. Để tăng cường điều này, EuroCham kỳ vọng vào việc Việt Nam triển khai hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với tiêu chuẩn thuế toàn cầu và chiến lược cải cách thuế năm 2030 của Thủ tướng.
Ngoài ra, theo ông Gabor Fluit, Việt Nam cần mở rộng thêm trong vấn đề thị thực, đặc biệt cho các chuyên gia đến các hội nghị và sự kiện thể thao cũng sẽ làm tăng sức hấp dẫn toàn cầu của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
VBF 2024: EuroCham kỳ vọng vào ngành năng lượng và y tế của Việt Nam
11:47, 19/03/2024
VBF 2024: JCCI đặt mục tiêu lớn hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng xanh
11:11, 19/03/2024
VBF 2024: "Con đường xanh" đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đất nước xanh và bền vững hơn
10:06, 19/03/2024
VBF 2024: BritCham khuyến nghị triển khai nhanh chóng Quy hoạch Điện VIII
09:56, 19/03/2024
VBF 2024: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện tăng trưởng xanh
09:39, 19/03/2024