Hải Phòng: Cam kết giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
TP Hải Phòng sẽ luôn đồng hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp có được những điều kiện tốt nhất, môi trường kinh doanh tối ưu nhất để hoạt động.
>>>Khu Kinh tế ven biển phía Nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng
>>>Hải Phòng: Phát triển Đảng trong doanh nghiệp FDI để thúc đẩy sản xuất công nghiệp
Đó là khẳng định của ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tại hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với chủ đề “Hợp tác – Phát triển – Hiệu quả” mới đây.
Doanh nghiệp “hiến kế”
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, TP Hải Phòng vẫn là một trong những điểm sáng của cả nước về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Hải Phòng ước đạt 31 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 30 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch nhập khẩu. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 170 triệu tấn, tăng 1,19%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 22,2 triệu tấn, tăng 6,62% so với cùng kỳ.
Được biết, tính đến thời điểm hiện nay, TP Hải Phòng đã có 950 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 30,04 tỷ USD. Khối doanh nghiệp có vốn FDI cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng đã phát huy vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Dù không gian đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều nỗ lực, chủ động vượt qua thách thức, đóng góp vào thành công trong hoạt động thương mại quốc tế nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến hoạt hoạt động xuất nhập khẩu, logistics và chuyển đổi số. Đâu đó vẫn có tình trạng doanh nghiệp phản ánh về các quy định chính sách thay đổi, chi phí và thủ tục lưu kho bãi tốn kém, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Hải Phòng.
Ông Trương Gia Huy – Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhôm Đông Á cho biết: “Hiện Cục Hải quan Hải Phòng đang tập trung nguồn lực để có thể sẵn sàng triển khai Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan. Đối với một thành phố mạnh về xuất nhập khẩu với hàng triệu tờ khai và kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm như TP Hải Phòng thì lợi ích của Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh mang lại sẽ rất to lớn. Tuy nhiên, để mô hình này có thể vận hành một cách thuận lợi, doanh nghiệp đề xuất các cơ quan ban ngành khác cũng cần phải cải tiến để có thể đồng bộ và tận dụng triệt để lợi ích mà Hải quan số mang lại”.
Đồng quan điểm trên, ông Liu Hiu Min – Tổng giám đốc công ty TNHH USI Việt Nam cho biết: “Cơ quan hải quan là đơn vị chuyển đổi số nhanh, tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong TP Hải Phòng chỉ đạo các sở ban, ngành cùng đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn sao cho kết nối liên thông các cơ quan liên quan để tăng nhanh tiến độ xử lý thủ tục hành chính, sử dụng dữ liệu dùng chung một cửa”.
Còn ông Kamiya – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp nhựa Kyowa Việt Nam cho biết: “Công ty với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, gia công, xuất khẩu linh kiện nhựa. Chúng tôi được biết TP Hải Phòng đang nghiên cứu xây dựng, phát triển trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại. Vì vậy, phía doanh nghiệp mong muốn TP Hải Phòng có giải pháp thúc đẩy Logistics Air, ví dụ như kết nối với các hãng hàng không, thiết kế xây dựng kho hàng không tại sân bay Cát Bi. Hiện tại, kho hàng này chỉ có tại sân bay Nội Bài, gây mất thời gian và chi phí lớn cho việc vận chuyển. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến việc giao hàng cho khách hàng”.
Cam kết gỡ vướng
Để lắng nghe, chia sẻ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, mới đây, TP Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với chủ đề “Hợp tác – Phát triển – Hiệu quả”.
Theo ông Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng Cục Hải quan TP Hải Phòng, hội nghị đối thoại đã ghi nhận 78 kiến nghị thuộc 8 nhóm lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là vướng mắc đối với chính sách quản lý chuyên ngành; quy định pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; kiến nghị phản ánh về tình trạng các cước vận tải biển tăng cao, các loại phí, phụ phí liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu do các hãng tàu nước ngoài, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng quy định cao bất hợp lý (như phí CIC, phí nâng hạ, cược vỏ container, vệ sinh container,...), thực trạng ùn tắc tại các bãi cấp/trả vỏ container rỗng.
Cũng theo ông Ngọc, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về công tác Chuyển đổi số của thành phố; trình tự thủ tục, quy định cấp C/O; thời gian thực hiện quy trình, thủ tục của một số cơ quan quản lý chuyên ngành trên địa bàn thành phố; vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ tại các KCN. Đồng thời, đề xuất thành phố xem xét miễn, giảm phí cơ sở hạ tầng, dịch vụ cảng biển của thành phố và phối hợp giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả thu phí; đề xuất liên quan việc nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với hệ thống cảng biển nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn…
Được biết, để xây dựng niềm tin với nhà đầu tư, TP Hải Phòng vẫn đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển hạ tầng cũng như cam kết với các nhà đầu tư về tiến độ giải phóng mặt bằng, chung tay cùng các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi đầu tư tại Hải Phòng nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc khi đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu tại Hải Phòng được tháo gỡ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI sẽ tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm, giảm chi phí giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp trong nước phát triển mạng lưới cung ứng, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhằm giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp thiết thực ngân sách nhà nước.
Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Bên cạnh đó, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, luôn nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiết giảm thời gian đi lại và chi phí phát sinh.
“TP Hải Phòng sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp có được những điều kiện tốt nhất, môi trường kinh doanh tối ưu nhất để hoạt động, cùng chung tay xây dựng một TP Hải Phòng là một điểm sáng trong phát triển kinh tế của cả nước”, ông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm